Hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực miền núi: Phần lớn không còn hiệu quả

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 36 công trình cấp nước sinh hoạt cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phần lớn công trình đầu tư đã lâu, công nghệ lạc hậu, xuống cấp trầm trọng, thậm chí có một số công trình đã ngừng hoạt động.

Thu không đủ bù chi

Hiện nay, toàn tỉnh có 106 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó có 36 công trình cấp nước cho khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS, tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã: Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh), Sơn Tân, Suối Cát (huyện Cam Lâm), Diên Tân, Suối Tiên (huyện Diên Khánh), Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa).

Từ ngày 10 đến 12-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra 36 công trình cấp nước cho khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS, trong đó có 34 công trình cấp nước tự chảy. Các công trình này chủ yếu sử dụng công nghệ lắng, lọc thô (nước hợp vệ sinh) và lắng, lọc, khử trùng (nước sạch). Qua thời gian sử dụng, trong số 36 công trình, đến nay, chỉ có 9 hệ thống còn hoạt động hiệu quả, 22 hệ thống hoạt động kém hiệu quả và 5 hệ thống đã ngừng hoạt động. Các công trình này chủ yếu được giao cho UBND xã quản lý, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả vì nhân công vận hành không có chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khi đó, việc thu tiền nước sinh hoạt do UBND tỉnh quy định chỉ đủ chi trả chi phí điện, nhân công vận hành, một phần chi phí hóa chất và sửa chữa nhỏ; có nhiều hệ thống cấp nước thu không đủ bù chi, UBND huyện phải bù lỗ.

Hệ thống cấp nước cho đồng bào dân tộc Raglai ở xóm Suối Rua (thôn Sông Cạn Tây, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) xuống cấp trầm trọng.

Hệ thống cấp nước cho đồng bào dân tộc Raglai ở xóm Suối Rua (thôn Sông Cạn Tây, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, toàn huyện có 19 công trình cấp nước tập trung cho ĐBDTTS thì chỉ có 3 công trình hoạt động hiệu quả, còn lại là không bền vững, kém bền vững hoặc đã ngừng hoạt động. Các hệ thống đều tự chảy, lấy nước từ suối cao, qua hệ thống lắng, lọc rồi dẫn về khu dân cư. Chất lượng nước ngoài tự nhiên ngày càng không đảm bảo, khi xảy ra lũ lụt không khắc phục kịp thời khiến nhiều hệ thống xuống cấp, ngừng hoạt động. Nguồn thu chủ yếu đủ trả cho bộ máy hoạt động và sửa chữa nhỏ; khi sửa chữa lớn phải lấy ngân sách ra để thực hiện. Ông Huỳnh Uy Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, UBND huyện phải bù lỗ cho hệ thống cấp nước xã Suối Tân và xã Suối Cát hàng trăm triệu đồng. Có hệ thống mỗi năm thu được khoảng 9 triệu đồng nhưng kinh phí quản lý, vận hành lên đến gần 25 triệu đồng.

Tìm giải pháp khắc phục

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công trình cấp nước vùng miền núi và ĐBDTTS được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn; sau khi hoàn thành được bàn giao cho UBND cấp xã, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp quản lý. Trong quá trình khai thác, các đơn vị quản lý sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng công trình. Qua kiểm tra, đa số các công trình được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp với công nghệ và thiết bị lạc hậu; quy mô đầu tư bị hạn chế nên khi xây dựng xong vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu dùng nước của người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động cấp nước kém hiệu quả xuất phát từ công tác quản lý, khai thác, vận hành. Để khắc phục tình trạng này, sở đề xuất giao công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho các đơn vị chuyên ngành để quản lý. Tuy nhiên, do hiện tại chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cấp nước nên trước mắt ưu tiên giao công trình ở các địa phương cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện quản lý, vận hành, khai thác. Để nâng cao hiệu quả cấp nước, thời gian tới tỉnh cần xây dựng chính sách trợ giá, bù giá nước cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước… Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn tập trung tại khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS. Thời gian tới, các địa phương cần khảo sát, đánh giá khả năng khắc phục của các công trình đang bị hỏng; trường hợp chi phí sửa chữa cao cần ưu tiên thực hiện thanh lý để đầu tư công trình cấp nước mới với quy mô, công nghệ phù hợp.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Tỉnh nên có chính sách riêng đối với việc đầu tư công trình cấp nước cho khu vực miền núi và vùng ĐBDTTS vì ở đây dân cư thưa thớt, nhu cầu sử dụng nước ít. Những hệ thống không thể sử dụng được thì nên sớm thanh lý để đầu tư lại. Khi xây dựng giá nước phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, có chính sách miễn giảm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; các hộ dân còn lại phải đóng đủ theo quy định.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/he-thong-cap-nuoc-sinh-hoat-khu-vuc-mien-nuiphan-lon-khong-con-hieu-qua-93e0085/