Hé lộ 'ông chủ' phía sau dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn - doanh nghiệp vừa bị Thanh tra Chính phủ điểm tên

Trong số những dự án vi phạm vừa bị Thanh tra Chính phủ điểm tên, đáng chú ý dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn do Công ty CP - Tổng công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm chủ đầu tư.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; quản lý, sử dụng đất đai , cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng; công tác quy hoạch tại tỉnh Ninh Bình.

Qua kiểm tra 18 dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Trong số những dự án vi phạm, đáng chú ý dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn do Công ty CP - Tổng công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm chủ đầu tư. Đây là dự án do UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp chứng nhận đầu tư cho 4 dự án thương mại, dịch vụ không phù hợp quy hoạch chi tiết, chưa đảm bảo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.

UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất với 3 dự án thương mại, dịch vụ không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp bị kết luận chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, vi phạm Luật Đất đai.

Dự án Khu Công nghiệp Phúc Lộc

Chân dung PHUCLOC IDC

Công ty CP - Tổng công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc thành lập ngày 15/3/2014, tiền thân là CTCP Đầu tư Phát triển T&G. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Tại thời điểm thành lập PHUCLOC IDC có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Phúc Lộc góp 51%, cổ đông Đinh Thị Hương Giang góp 15%, Lương Minh Tường 18%, Lương Minh Tuyên (cùng địa chỉ với cá nhân Lương Minh Tường) góp 15% và Lương Minh Tùng (cùng địa chỉ với cá nhân Lương Minh Tường) góp 1%. Đại diện pháp luật khi này là Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tường (SN 1973).

Đến 31/7/2015, CTCP đổi thành tên CTCP Đầu tư phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Phúc Lộc. Người đại diện pháp luật cũng được thay là ông Nguyễn Trung Dũng (SN 1977) kiêm Giám đốc. Tại ngày 22/6/2016, doanh nghiệp lại đổi tên thành Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc.

Đến 17/3/2017, PHUCLOC IDC tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng, cổ đông góp vốn gồm: CTCP Tập đoàn Phúc Lộc góp 75%, cổ đông Lương Tường Minh góp 23% và Nguyễn Trung Dũng góp 2%.

Tại thay đổi vào tháng 30/5/2018 doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cổ đông góp vốn: CTCP Tập đoàn Phúc Lộc góp 96%, Nguyễn Trung Dũng góp 2%, còn lại là ông Lương Tường Minh.

Đến 23/12/2020, vốn điều lệ của PHUCLOC IDC được tăng lên gần 322,4 tỷ đồng. Và đến tháng 7/2021, doanh nghiệp nâng vốn lên 375 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khi này không được tiết lộ.

Hé mở chân dung Tập đoàn Phúc Lộc

Về cổ đông lớn CTCP Tập đoàn Phúc Lộc được biết là một trong những “đại gia” nổi danh tại đất Ninh Bình. Ngành nghề chính của Công ty là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Phúc Lộc là ông Lương Minh Tường.

Dữ liệu cho thấy, vào cuối năm 2016, Tập đoàn Phúc Lộc đã nâng quy mô vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.650 tỷ đồng. Đến tháng 9/2019, công ty tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 2.689 tỷ đồng. Tại thay đổi vào 21/12/2023, doanh nghiệp có vốn 2.869 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được tiết lộ.

Phúc Lộc là chủ đầu tư hoặc tham gia liên danh trong các dự án hạ tầng theo hình thức BT, BOT. Các dự án đáng chú ý bao gồm: Dự án Đường bao Đông Nam quận Hải An ở Hải Phòng với tổng mức đầu tư lên đến 800 tỷ đồng; Dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 kết nối thành phố Lào Cai và Sapa; Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn; và Dự án BOT cầu Bạch Đằng với tổng mức đầu tư lên đến 7.600 tỷ đồng.

Tập đoàn Phúc Lộc là "đại gia nghìn tỷ" nổi tiếng ở Ninh Bình

Tập đoàn Phúc Lộc đang sở hữu 19 công ty thành viên như Công ty TNHH Phúc Lộc và CTCP Xuất nhập khẩu Phúc Lộc, CTCP Phúc Lộc Hải Phòng, CTCP Phúc Lộc Quảng Ngãi...

Đáng chú ý nhắc đến hệ sinh thái của Phúc Lộc phải nói dến thương vụ thâu tóm Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8) của doanh nghiệp này. Cienco 8 tiền thân là công ty Nhà nước này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần năm 2014.

Năm 2015, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC chuyển nhượng 2,1 triệu cổ phần, tương đương gần 16 tỷ đồng sang cho Phúc Lộc Group. Tại thời điểm này, ông Lương Minh Tường trở thành người đại diện pháp luật của Cienco 8.

Cienco 8 là một trong những "ông lớn" trong xây lắp giao thông. Với việc sở hữu Cienco 8, Phúc Lộc đã tham gia vào hàng loạt dự án hạ tầng “khủng” như: cầu Bạch Đằng tại tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng; gói XL 01, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị 1.069,5 tỷ đồng; dự án BT sông Cầu Thái Nguyên gần 10.000 tỷ đồng...

Đầu năm 2023, Liên danh xây dựng cao tốc gói thầu 12-XL dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn của Phúc Lộc Group vừa trúng gói thầu 12-XL: Thi công xây dựng đoạn Km23+500 –Km70+091 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) trị giá 6.140.727.000.000 đồng. Theo đó, Phúc Lộc tham gia với vai trò là thầu phụ trong liên danh gồm 5 doanh nghiệp là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty XD CTGT 8, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty cổ phần 471.

Trong vài năm trở lại đây, Phúc Lộc đã tham gia 30 gói thầu, trong đó trúng 23 gói với tổng giá trị trúng thầu lên tới 17.113 tỷ đồng, trượt 6 gói, 1 gói chưa có kết quả. Trong đó, tổng giá trị Phúc Lộc trúng thầu với vai trò độc lập là 4.078,3 tỷ đồng; Tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh là 13.034,7 tỷ đồng.

Được biết, Phúc Lộc từng nhiều lần bị nhắc tên khi để xảy ra sai phạm trong các kết luật của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi và Thanh tra Chính phủ.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/he-lo-ong-chu-phia-sau-du-an-khu-cong-nghiep-phuc-son-doanh-nghiep-vua-bi-thanh-tra-chinh-phu-diem-ten-120767.html