Hậu trường làm tuyến đường sắt dốc nhất thế giới

Đường dốc, núi cao không ngăn được sự sáng tạo cùng kỹ thuật đỉnh cao của các kỹ sư giao thông Thụy Sĩ. Điều này được chứng minh qua công trình tuyến đường sắt dốc nhất thế giới của nước này.

Tàu vượt dốc dựng đứng

Tuyến đường sắt leo núi dốc nhất thế giới mang tên Schwyz - Stoos được khánh thành vào năm 2017, đánh dấu kỹ thuật và công nghệ Thụy Sĩ đạt đến tầm cao mới. Đích thân Tổng thống Thụy Sĩ thời điểm đó là ông Doris Leuthard đã trực tiếp dự lễ khởi công.

Với công suất tối đa 34 hành khách, từ chân thung lũng Muota gần thị trấn Schwyz xinh đẹp, con tàu đưa hành khách di chuyển nhẹ nhàng và êm ả lên trên đỉnh núi. Khi lên đến đoạn dốc, hành khách có thể phóng tầm mắt, ngắm nhìn trọn vẹn cảnh sắc ở thung lũng bên dưới với hồ nước trong xanh cùng những thảm cỏ mướt mát.

Dù con tàu di chuyển gần như dựng đứng nhưng người ngồi trong toa vẫn thoải mái dễ chịu. Sau khi chui qua ít nhất 3 hầm nhỏ cùng 2 cây cầu, con tàu đưa hành khách tới ngôi làng Stoos nhỏ bé nằm gần như biệt lập trên núi, có dân số chỉ khoảng 100 người cùng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng gần hồ Lucerne, ở miền Trung Thụy Sĩ. Tổng thời gian di chuyển là 3 phút.

Một đoạn đường dốc gần như dựng đứng của tuyến tàu Schwyz - Stoos.

Vì nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, tuyến đường sắt leo núi Schwyz - Stoos gây ấn tượng khi vượt độ dốc ở điểm cao nhất là 110% (47,7 độ) với đường ray dài 1.720m và mức chênh lệch độ cao là 743m. Khi leo dốc, tàu sẽ duy trì ở tốc độ 10m/s.

Tàu gồm 4 toa xe, các toa tàu được thiết kế như trong mô hình khoa học viễn tưởng, có hình trụ giống như thùng bia. Đặc biệt, toa tàu được ứng dụng giải pháp kỹ thuật thông minh, các toa kết nối với một cặp xi lanh thủy lực giúp xoay đồng bộ khi con tàu leo dốc. Nhờ đó, hành khách trong khoang vẫn giữ được thăng bằng dù đi trên dốc thẳng đứng.

Anh Marcel Elmer, kỹ thuật viên vận hành tàu cho biết: "Nếu tàu sử dụng loại cabin truyền thống, hành khách sẽ trượt khỏi ghế khi đi trên đường dốc như thẳng đứng. Con tàu của chúng tôi đã khắc phục được điểm yếu này nhờ trang bị hàng loạt giải pháp kỹ thuật thông minh".

Quá trình lận đận

Những điều đặc biệt dĩ nhiên không đơn giản mà có. Để xây dựng tuyến đường sắt độc đáo này, theo ông Ivan Steiner, người phát ngôn ngành đường sắt Thụy Sĩ, đơn vị xây dựng phải mất 14 năm từ lúc lên kế hoạch đến khi bắt tay xây dựng. Tổng chi phí ước tính 44,6 triệu euro (tương đương hơn 52 triệu USD).

Đoàn tàu được công nhân, kỹ sư Tập đoàn Doppelmayr/Garaventa lắp đặt.

Mục đích ban đầu xây dựng tuyến tàu này là thay thế tuyến đường sắt cũ hoạt động từ năm 1933.

Ngay khi bắt tay thực hiện, dự án đã đối mặt với rất nhiều thách thức. Trước hết là làm sao đạt được sự đồng thuận của người dân. Vì tuyến tàu đi qua địa phận của 3 ngôi làng nên địa phương đã phải tổ chức 11 lần trưng cầu dân ý. Hơn nữa, kinh phí xây dựng quá lớn nên chính quyền địa phương cũng đắn đo.

Với tầm nhìn xa, giới chức địa phương muốn đầu tư tuyến đường sắt độc đáo để vừa phục vụ vận tải địa phương vừa phát triển kinh tế du lịch. Thậm chí, nhiều người xem đây như khoản "đầu tư bảo hiểm lâu dài". Cuối cùng dự án cũng được thông qua.

Khi bắt tay vào thiết kế, dự án tiếp tục đối mặt với những khó khăn về kỹ thuật. Có tới 15 thiết kế được đưa ra. Trong đó, có một thiết kế dạng cáp treo truyền thống được đánh giá khả quan nhưng cuối cùng bị loại bỏ vì tuyến cáp sẽ phải đi qua một trường bắn đang hoạt động. Cũng có đề xuất hiện đại hóa hệ thống đường sắt cũ nhưng không thể thực hiện vì chi phí rất cao.

Để đáp ứng yêu cầu, các kỹ sư tại Tập đoàn Doppelmayr/Garaventa đã thiết kế một tuyến đường sắt leo núi theo công nghệ mới. Trải qua nhiều khó khăn, thiết kế này mới được chấp thuận và dự án bắt đầu khởi công vào tháng 7/2013.

Dự án từng lỡ tiến độ đến hai năm vì các sự cố như sập cáp vận chuyển nguyên vật liệu lên núi; hay trong quá trình khoan hầm, mũi khoan liên tục bị kẹt. Sau bao khó khăn, các công nhân, kỹ sư đã hoàn thành thi công hệ thống đường ray vào tháng 4/2017. Bốn tháng sau, tuyến đường sắt thử nghiệm thành công và đi vào hoạt động trong cùng năm.

Hiện tại, tuyến tàu này đã thực hiện tốt vai trò là một phương tiện giao thông công cộng. Người dân trên núi có thể dễ dàng đi xuống thung lũng, vận chuyển hàng hóa cần thiết, từ vật liệu xây dựng đến thực phẩm.

Khách du lịch tăng vọt

Thụy Sĩ hy vọng với hiệu suất và tính thẩm mỹ cao cùng sự độc đáo, tuyến tàu này không chỉ là phương tiện đi lại của người dân địa phương mà còn giúp thúc đẩy du lịch.

Vào mùa đông, tuyến tàu dốc nhất thế giới tại Thụy Sĩ nổi bật giữa vùng tuyết phủ trắng xóa.

Ông Daniel Betschart, trưởng làng Stoos cho biết: "Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, đặc biệt là vào mùa đông. Từ thời Nữ hoàng Anh Victoria, khu vực này đã nổi tiếng. Nữ hoàng Victoria thường nghỉ ở đây. Mỗi chuyến đi bà thường đưa người giúp việc đi cùng và ở lại hàng tuần".

Không chỉ vậy, đầu thế kỷ 21, nơi đây được nhiều gia tộc giàu có lựa chọn làm điểm đến, trở thành khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy, sau Thế chiến thứ nhất, ngành du lịch suy giảm. Hầu hết những người đến vùng miền trung Thụy Sĩ này chỉ loanh quanh ở thị trấn Schwyz hoặc các vùng lân cận chứ ít có khách quốc tế.

Mùa hè, tuyến tàu chạy xuyên qua một vùng xanh mướt mát.

Từ khi có tuyến đường sắt mới, ngôi làng nhỏ bé đã thu hút rất đông khách thập phương. Nếu quan sát xung quanh phố đi bộ của Stoos, vào ngày hè nắng, các quán cà phê ngoài trời luôn kín chỗ dù đã quá giờ ăn trưa.

"Chỉ sau một năm, tuyến tàu đi vào hoạt động, số lượng du khách đã tăng hơn khoảng 30% so với năm trước" ông Ivan Steiner, nhà quản lý du lịch khu vực nói và cho biết, trong nửa đầu năm 2018, chỉ 6 tháng sau khi tuyến tàu đi vào hoạt động, đã ghi nhận 109.000 lượt khách, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Với các thông số độ dốc ở điểm cao nhất là 110% (47,7 độ), đường ray dài 1.720m và mức chênh lệch độ cao là 743m, Schwyz - Stoos đã phá vỡ kỷ lục về tuyến đường sắt dốc nhất thế giới. Kỷ lục trước đó thuộc về tuyến Gelmerbah, có độ dốc là 106%, chạy đến hồ Gelmersee ở Bern, Thụy Sĩ.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hau-truong-lam-tuyen-duong-sat-doc-nhat-the-gioi-19224050118322273.htm