Hanoimilk, Anh ngữ APAX chậm đóng BHXH hàng chục tỷ đồng

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị cơ quan công an xử lý điểm một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.

Hơn 53.000 doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, toàn thành phố có 53.239 đơn vị chậm đóng (với 639.010 lao động). Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT là 4.260 tỷ đồng; Số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.537,8 tỷ đồng, tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 2,3%.

Trong đó, số tiền chậm đóng dưới 12 tháng là 676,2 tỷ đồng, chiếm 15,87% tổng số tiền chậm đóng. Số tiền chậm đóng từ 12 tháng trở lên: 1.814,6 tỷ đồng, chiếm 42,60% tổng số tiền chậm đóng.

Hà Nội có 53.239 đơn vị chậm đóng BHXH cho 639.010 lao động (Ảnh minh họa).

Hà Nội có 53.239 đơn vị chậm đóng BHXH cho 639.010 lao động (Ảnh minh họa).

Theo thống kê này, việc các doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 639.000 người lao động. Ngoài ra, trong số gần 53.240 doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm có nhiều đơn vị nợ nhiều năm, thậm chí không có khả năng thanh toán.

Dẫn đầu danh sách nợ các khoản bảo hiểm là Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX với số tiền hơn 56 tỷ đồng. Lần lượt xếp sau là Công ty Cổ phần Lilama 3 (chậm đóng 107 tháng, số tiền 44,1 tỷ đồng), Công ty TNHH May mặc XK VIT Garmen (chậm đóng 41 tháng, số tiền 35 tỷ đồng).

Công ty Cổ phần Eurowindow được xác định chậm đóng 5 tháng bảo hiểm với số tiền 15,4 tỷ đồng, Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) chậm đóng 18,4 tỷ, Công ty Cổ phần phát triển giáo dục IGARTEN chậm đóng 16,7 tỷ đồng.

Cũng theo danh sách này, Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn Cầu (GTEL) chậm đóng bảo hiểm 39 tháng với tổng số tiền 8,1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chậm đóng 7,5 tỷ đồng (18 tháng).

Một số doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim và Công ty TNHH Một thành viên dầu khí Sông Hồng cùng chậm đóng bảo hiểm hơn 3 tỷ đồng, còn Công ty Cổ phần Vua Nệm chậm đóng 900 triệu đồng.

Theo BHXH Hà Nội số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là gần 1.854 tỷ đồng, bằng 2,88% so với tổng số tiền cần thu. Số tiền chậm đóng từ 12 tháng trở lên hiện là 1.845 tỷ đồng (chiếm 33,8% tổng số tiền chậm đóng), số tiền chậm đóng dưới 12 tháng là hơn 1.820 tỷ đồng (chiếm 33,35%).

Kiến nghị xử lý điểm

Hà Nội là địa phương có số đơn vị nợ BHXH, BHYT cao nhất toàn quốc. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết tổng nợ BHXH hiện trên 6% cả nước. Sau khi trừ số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn (những khoản nợ không thể thu hồi) thì còn xấp xỉ 2,3%. Tuy nhiên, số nợ giảm rất nhiều so với những năm trước đây.

"Trong năm 2023, chúng tôi đã tổ chức thanh tra, kiểm tra gần 5.200 đơn vị, đồng thời ban hành 112 quyết định xử lý vi phạm hành chính (tăng 62 đơn vị so với năm 2022), qua đó các đơn vị khắc phục tới 79% số nợ", giám đốc BHXH Hà Nội cho hay.

BHXH Hà Nội cũng chuyển hồ sơ của 7 đơn vị có số nợ lớn sang cơ quan điều tra và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan điều tra xử lý, truy tố 15 đơn vị.

Theo giám đốc BHXH Hà Nội, thông qua hệ thống quản lý, hằng tháng đơn vị này sẽ lọc ra những đơn vị có số nợ đọng cao và giao cho phòng thanh tra, kiểm tra phối hợp phòng truyền thông viết văn bản gửi trực tiếp chủ sử dụng lao động, giám đốc doanh nghiệp. Một lần vào đầu tháng và một lần vào ngày 25 hằng tháng.

Sau hai lần thông báo, BHXH Hà Nội sẽ rà soát đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để phối hợp với cơ quan chức năng hoặc độc lập kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Nếu chây ì, không khắc phục, ngành BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Tuy nhiên, lãnh đạo BHXH Hà Nội cho rằng đến nay, sau sự quyết liệt của BHXH thành phố, nhiều đơn vị cũng đã khắc phục một phần. "Quan điểm của BHXH TP Hà Nội là chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp không có nghĩa là chây ì hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH", ông Mến nhấn mạnh.

Chia sẻ về hướng xử lý đối với những doanh nghiệp đã hoặc có nguy cơ phá sản, lãnh đạo BHXH TP Hà Nội cho rằng đơn vị này cũng đã kiến nghị với Chính phủ để xử lý các khoản nợ này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, BHXH Thành phố cũng phối hợp với địa phương rà soát, theo dõi tình hình để tránh tình trạng đóng cửa doanh nghiệp này để thành lập doanh nghiệp khác.

Thời gian tới, BHXH thành phố Hà Nội cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị giám đốc công an thành phố Hà Nội xử điểm 1-2 đơn vị. Đơn vị này cũng sẽ đề nghị ngành công an nghiên cứu, phối hợp với cơ quan tư pháp và BHXH làm điểm một số vụ.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/eurowindow-hanoimilk-anh-ngu-apax-cham-dong-bhxh-hang-chuc-ty-dong-192240128225929383.htm