Hành trình 100 năm để nghề làm bột gạo Sa Đéc trở thành di sản

Không chỉ được biết đến là thủ phủ hoa của miền Tây, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) còn nức tiếng gần xa với nghề làm bột gạo truyền thống hơn 100 năm tuổi.

Nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, với nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp đã tạo nên sản phẩm bột gạo Sa Đéc mang chất lượng vượt trội, hương vị đặc trưng riêng biệt khó có nơi nào sánh kịp.

Tối 26/4, UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc...

Ngược dòng thời gian

Ngược dòng thời gian, vào thế kỷ XVIII nhiều lưu dân từ miền Bắc, miền Trung vào Nam lập nghiệp, những lề lối sinh hoạt, cái ăn, nếp ở cũng theo vào vùng đất này.

Tất cả những gì là đặc tính của người Việt, của "văn minh lúa nước" đều đến và hòa nhập với vùng đất được khai hoang mở cõi phương Nam của đất nước, hội tụ và tiếp biến để trở thành "văn minh miệt vườn", mà Sa Đéc được xem là cái nôi của "văn minh miệt vườn" ấy.

Với ý thức "tích cốc phòng cơ" nên người người, nhà nhà đã tìm mọi cách để giữ lương thực được lâu dài, từ hạt lúa làm ra hạt gạo, rồi từ hạt gạo đó làm ra bột gạo.

Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xóm bột Tân Phú Đông trở thành một trong những nơi làm bột và sản phẩm từ bột danh tiếng nhất vùng. Những người thuộc thế hệ đầu tiên khai mở cho làng nghề chính là dân của 150 năm trước.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc là nghề "cha truyền con nối" ở Đồng Tháp.

Nối bước tiền nhân, một trong điển hình đó có ông Nguyễn Văn Tao (1861) với sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ trong công việc, trong nghề mà ông trở thành tấm gương cho con cháu và nhiều thế hệ trong gia tộc noi theo để giữ gìn, phát huy nghề làm bột.

Từ đời của ông mà truyền nghề cho con là Nguyễn Văn Phước (1891) đến đời kế tiếp theo là ông Nguyễn Văn Nương (1943) và hiện nay người được coi là truyền nhân của gia tộc làm bột này là chị Nguyễn Thị Ánh (1982), là cháu đời thứ 5 duy trì nghề bột của cụ Nguyễn Văn Tao.

Ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột Tư Nương, Chủ nhiệm hội quán làng bột Sa Đéc kể rằng, nghề làm bột ở Sa Đéc là nghề truyền thống cha truyền con nối, trong đó gia đình ông đã có hơn 100 năm theo nghề. Từ ông nội đến cha ông và bây giờ là ông tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề.

Theo dòng thời gian, nghề làm bột gạo Sa Đéc cũng có nhiều biến động có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng chính cái nghề này đã giúp gia đình ông Tư Nương và nhiều hộ ở làng bột Sa Đéc ổn định cuộc sống, có nhiều hộ còn có của ăn, của để.

Bột gạo Sa Đéc nức tiếng gần xa bởi độ trắng, mịn, dẻo, thơm mà khó có nơi nào sánh kịp. Để có được điều này, theo chia sẻ của các cụ thâm niên trong nghề,

Sa Đéc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với vị trí địa lý nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, đặc biệt đoạn sông Tiền khi chảy vào Sa Đéc đã tạo thành dòng Sa Giang mang độ pH trung tính, không bị chua do phèn, không bị lợ do nhiễm mặn.

Chính nhờ dòng nước sông ngọt lành này, khi kết hợp với hạt gạo của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phì nhiêu đã tạo nên thương hiệu cho bột Sa Đéc ngày nay.

Thay đổi để thích ứng

Trước đây, người dân làm bột chủ yếu làm bằng thủ công, để có sản phẩm bột gạo người làm bột phải trải qua nhiều công đoạn, tốn rất nhiều thời gian và công sức, khó khăn, vất vả.

Sản phẩm bột được làm ra luôn đạt chất lượng ngon, dẻo dai, trắng mịn thì phải trải qua 10 công đoạn như: Lựa chọn tấm (gạo), làm sạch tấm (gạo), xay tấm (gạo), dằn bột, đánh tơi bột, lắng gạn, hớt bột, chia bột và bẻ bột, phơi bột, đóng gói thành phẩm…

Trước những tác động của tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi, dịch bệnh Covid-19 và tác động của nền kinh tế thị trường, nghề làm bột cũng gặp không ít khó khăn. Để tồn tại đòi hỏi người làm bột Sa Đéc phải biết thay đổi để thích ứng.

Ngày nay, làm bột đã tân tiến rất nhiều, các cơ sở sản xuất bột được cơ giới hóa trong nhiều khâu sản xuất, đã có máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi, bồn lắng, hệ thống bơm, hút phụ phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp cho làng nghề làm bột gạo Sa Đéc tăng sức cạnh tranh.

Sự phát triển của khoa học công nghệ tạo nên một bước ngoặt mới cho nghề làm bột. Các cơ sở, các hộ sản xuất bột đã áp dụng những thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã cơ giới hóa, điện khí hóa trong nhiều khâu của qui trình sản xuất bột.

Từ đó, vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo được chất lượng sạch, tuyệt trùng, không chất cấm, sản phẩm bột luôn được trắng, trong, dai, dẻo và mịn; nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột.

Nghề làm bột Sa Đéc trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực cho việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập của người dân.

Đây là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giúp ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và làm giàu thêm giá trị văn hóa độc đáo cho vùng đất Sa Đéc.

Hiện nay, nghề làm bột Sa Đéc có trên 160 hộ, cơ sở sản xuất, với hơn 1.000 lao động, sản lượng bình quân trên 30.000 tấn bột/năm.

Thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu ngoài nước thông qua các trong và ngoài tỉnh, góp phần cho thành phố Sa Đéc thu về trên 400 tỷ đồng/năm.

Để giữ gìn và phát huy nghề làm bột gạo Sa Đéc, bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) chia sẻ, thành phố có nhiều chính sách để vực dậy làng nghề, định hướng theo Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, địa phương sẽ tiếp tục hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ; xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm dựa trên điểm nhấn chính là kết hợp Làng nghề truyền thống sản xuất bột và Làng hoa Sa Đéc.

"Việc kết hợp hai làng nghề truyền thống góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hóa độc đáo cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương", bà Bình thông tin.

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, nghề làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến về nhiều mặt. Người làm nghề vẫn gìn giữ các bí quyết gia truyền, các kỹ thuật truyền thống của gia đình, đồng thời cũng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là kết quả của quá trình nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị, gắn với tập quán sinh hoạt của cư dân.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hanh-trinh-100-nam-de-nghe-lam-bot-gao-sa-dec-tro-thanh-di-san-19224042713435835.htm