Hạnh phúc của người cộng sản

'Hạnh phúc cho mọi người', đó là chủ đề của Ngày quốc tế hạnh phúc (20-3) năm nay và cũng là mong ước, khát vọng chung của nhân loại tiến bộ, trong đó có những người cộng sản.

Trên cơ sở ý tưởng của Bhutan (một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalayas được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao), vào tháng 6-2012, Liên hợp quốc tuyên bố chọn 20-3 hằng năm là Ngày quốc tế hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

“Hạnh phúc cho mọi người” cũng là mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản. Những người cộng sản không chỉ mong muốn hạnh phúc cho mình mà còn mong muốn mang lại hạnh phúc cho mọi người. C.Mác - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, từng phát biểu: “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì đó là người hạnh phúc nhất” và “Nếu ta đã chọn một nghề mà qua đó ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy, bởi vì đó chính là sự hy sinh vì mọi người… khi đó… hạnh phúc của ta sẽ thuộc về hàng triệu người”.

Xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên tại hội nghị thành lập, Đảng ta đã xác định mục tiêu chiến lược: Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Trong thời kỳ đầu mới ra đời đảng xác định đấu tranh giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm trước hết, bởi nếu không giành được độc lập cho dân tộc thì không thể có cơ sở, tiền đề để xác lập được tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Sau khi nước nhà độc lập, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Người nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc là thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đó là nhận thức khoa học và cách mạng về sự phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người mà Hồ Chí Minh thấm nhuần, tin tưởng: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.

Quan niệm về hạnh phúc của người cộng sản khác với quan niệm hạnh phúc của một số tầng lớp khác trong xã hội. Hạnh phúc của người cộng sản chân chính ở Việt Nam không cao siêu mà luôn gắn bó với hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Cách đây gần 3 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng...”.

Cũng trong bài phát biểu hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại nhiều câu thơ, nhiều câu thành ngữ, tục ngữ được đúc kết thành nét văn hóa, thành giá trị cuộc sống của người Việt Nam: "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"; "Kính lão đắc thọ"; "Kính già, già để tuổi cho"; "Anh em như thể chân tay"; "Kính trên nhường dưới"; "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Tôn sư trọng đạo"; "Lời chào cao hơn mâm cỗ"; "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thủy chung son sắt (bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu năm 1954)...

Thật đáng tiếc là trong thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên do nhận thức không đúng về giá trị của hạnh phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tham nhũng, tiêu cực phải vướng vào vòng lao lý.

Nhớ lại gần 65 năm trước, ngày 9-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tiêu chuẩn của người đảng viên” đăng trên Báo Nhân Dân. Bài viết rất ngắn gọn, với 6 “gạch đầu dòng” nói lên 6 tiêu chuẩn của người đảng viên. Trong đó, tiêu chuẩn thứ ba là “đặt lợi ích của Ðảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng”. Nếu người đảng viên thực hiện đúng những điều ấy thì họ sẽ tìm thấy hạnh phúc chân chính của mình.

Nhân Ngày quốc tế hạnh phúc, các cán bộ, đảng viên hãy tự soi mình trước tấm gương của những người cộng sản chân chính, từ đó sửa đổi những gì chưa đúng để tiếp tục thực hiện mục tiêu “hạnh phúc cho mọi người”.

Ðỗ Phú Thọ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/155462/hanh-phuc-cua-nguoi-cong-san