Hành động thực chất

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ảnh: minh họa

Số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như những “lực cản” nội tại. Bởi vậy, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được kỳ vọng tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Để cải cách môi trường kinh doanh, Chính phủ yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi cho doanh nghiệp.

Thực tế, những năm qua, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Qua đó, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động; giảm rủi ro chính sách và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số tăng nhanh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan ngại, khoảng 3 năm trở lại đây, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại. Nhiều điều kiện, rào cản mới đang phát sinh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động cũng như giảm thiểu doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường trong năm 2024 chính là chỉ số phản ánh chất lượng môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển kinh tế thế giới.

Thế nên, Nghị quyết 02 của Chính phủ đặt mục tiêu rất về nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; năng lực Đổi mới sáng tạo tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ lên ít nhất 5 bậc...

Để hoàn thành mục tiêu trên, các chuyên gia kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án đầu tư; ban hành ngay các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các vướng mắc, khó khăn; bãi bỏ, sửa đổi quy định pháp luật gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp.

Mặt khác, các bộ, ngành trung ương chủ động rà soát đề xuất Chính phủ đưa ra khỏi danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Đồng thời, bãi bỏ hoặc sửa đổi điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn, không cần thiết, không rõ ràng, theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, cộng đồng doanh nghiệp là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.

Các giải pháp tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng sẽ góp phần quan trọng tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng trong cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-dong-thuc-chat-post473345.html