Hàng loạt phương tiện đi vào đường BRT khiến 'buýt nhanh' thành 'buýt chậm'

Dù đã có làn đường dành riêng cùng với hệ thống biển báo cấm phương tiện đi vào 'lãnh địa' của buýt nhanh BRT, nhưng nhiều phương tiện vẫn đi vào làn đường này, khiến 'buýt nhanh' bỗng thành 'buýt chậm'.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, sáng 19/4, tại các tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Giảng Võ, trục đường có làn đường dành riêng cho tuyến xe buýt BRT chạy qua vào các giờ cao điểm, PV bắt gặp hình ảnh hàng loạt phương tiện lấn làn khiến xe buýt BRT "bò" ngay trên chính làn đường dành riêng.

Mặc dù mức phạt lên tới 400 nghìn đồng đối với xe máy, 1,2 triệu đồng đối với ô tô (cộng thêm tước bằng lái 2 tháng) khi người tham gia giao thông có hành vi điều khiển xe vào làn buýt nhanh BRT đã có hiệu lực từ lâu, song tình trạng đi lấn vào làn dành riêng cho tuyến xe này vẫn không hề giảm.

Hàng trăm phương tiện ngang nhiên di chuyển vào làn BRT tại trục đường Tố Hữu.

Ngay từ khi tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa đi vào hoạt động, yêu cầu đảm bảo khung thời gian 40-45 phút hoàn thành xong một chuyến rất khó để thực hiện do tình trạng ùn tắc hoặc bị các phương tiện khác cố tình lấn làn. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm, hầu hết các xe phải cần tới 60-65 phút mới có thể về đến bến cuối.

Nhiều người ví rằng, những chiếc xe lấn làn này được gọi vui là “xe dẫn đoàn” bởi chúng thản nhiên chạy thong dong trên làn ưu tiên bất chấp phía sau là buýt BRT đang kiên nhẫn bám đuôi và bấm còi đến mỏi tay.

Vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khảo sát thực tế, làm việc tại thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Tại buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, "buýt nhanh" trở thành "buýt thường, buýt chậm". Theo điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Tuyến BRT số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng).

Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe.

Dự án này, được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hang-loat-phuong-tien-di-vao-duong-brt-khien-buyt-nhanh-thanh-buyt-cham-10277940.html