'Hàng lậu' góp sức cho nền kinh tế Taylor Swift

Tại Mỹ, các cửa hàng trực tuyến tràn ngập đủ loại hàng hóa không chính hãng liên quan đến Taylor Swift, từ vòng tay tình bạn đến bodysuit giá hơn 1.000 USD.

Lili Sunga (18 tuổi) cho biết cô đã xếp hàng suốt 5 tiếng tại buổi diễn The Eras Tour ở Los Angeles (Mỹ) vào mùa hè năm ngoái để chi 484 USD cho áo phông và áo nỉ của Taylor Swift. Ảnh: Brittany Murray/MediaNews Group/Long Beach Press-Telegram.

Người hâm mộ khó lòng mua được những vật phẩm (merchandise) yêu thích trên cửa hàng trực tuyến chính thức của Taylor Swift. Những tuần gần đây, website đang tập trung chuẩn bị cho đợt phát hành album mới The Tortured Poets Department vào ngày 19/4, nên chỉ nhận các đơn đặt trước liên quan đến album này.

Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Taylor Swift đang bùng nổ, Bloomberg đưa tin. Vô số nhà bán lẻ đã xuất hiện trên Etsy, Amazon và các trang web in ấn theo yêu cầu như Redbubble với đủ kiểu hàng hóa lấy cảm hứng từ hình ảnh hoặc lời bài hát của Taylor Swift.

Được coi là một xu hướng hoài niệm quá khứ, cơn sốt vòng tay tình bạn đã thực sự trở lại nhờ Taylor Swift và The Eras Tour. Ảnh: Pinterest.

Fan phải buộc lòng mua 'hàng lậu'

Theo một cuộc khảo sát của QuestionPro vào tháng 2, khoảng 95% người hâm mộ Taylor Swift đã mua các vật phẩm liên quan đến thần tượng trong năm qua, và hơn một nửa trong số họ đã mua một số hàng hóa không chính thức.

Mặc dù 55% người được hỏi cho biết họ ngần ngại mua hàng hóa không được cấp phép, nhận thức rằng bên thứ 3 đang kiếm lời từ hình ảnh của Taylor Swift, họ vẫn chi trung bình 142 USD cho mỗi giao dịch.

Những người tham dự The Eras Tour đã chi trung bình 242 USD để sắm quần áo và phụ kiện được lấy cảm hứng từ chủ hit Anti-Hero cho mỗi buổi hòa nhạc họ tham dự.

Maddie Bryan (26 tuổi), làm việc trong lĩnh vực marketing thời trang ở Los Angeles (Mỹ), từng tham dự 5 buổi diễn trong khuôn khổ The Eras Tour.

Cô cũng xây dựng được một bộ sưu tập ấn tượng gồm các trang phục, phụ kiện, đồ kỷ niệm liên quan đến thần tượng - cả hàng hóa chính thức lẫn không chính thức.

Bryan cho biết khi cần thứ gì đó gấp hoặc lấy cảm hứng từ lời bài hát cụ thể, cô có xu hướng tìm mua ở các trang không chính thức. Hơn nữa, giá bán ở đây thường rẻ hơn trên cửa hàng chính hãng của Taylor Swift.

Có thể tìm mua merchandise chính hãng trên thị trường bán lại. Tuy nhiên, những người bán thường đẩy giá cao, có thể lên đến gấp 20 lần so với giá bán.

"Họ coi đó là cơ hội kiếm lời nhanh chóng từ những người hâm mộ Taylor Swift. Hơn nữa, họ càng khiến fan chân chính khó mua vật phẩm chính hãng", cô chia sẻ với Bloomberg.

Bryan cũng tự tạo cho mình một chỗ đứng riêng trong nền kinh tế Taylor Swift. Trong một lần dự concert ở Los Angeles, cô đã tự may một bộ bodysuit lấy cảm hứng từ trang phục trình diễn của ngôi sao này. Cô cho biết rất nhiều fan khác đã dành lời khen, chụp ảnh cùng mình và hỏi xem cô mua bộ đồ đó ở đâu.

Từ sự kiện đó, Bryan bắt đầu tự làm và bán bodysuit trên Etsy với giá 1.150 USD/bộ. Đến nay, cô bán được 3 bộ. Cô cũng có một trang trên Amazon đính kèm đường dẫn tới các phụ kiện và dụng cụ mà cô sử dụng khi tự may bodysuit. Khi có người mua sản phẩm qua những đường dẫn này, Bryan sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ.

Taylor Swift đã thúc đẩy nhiều xu hướng thời trang, phụ kiện. Ảnh: Pinterest.

Lằn ranh vi phạm bản quyền

Etsy từ chối bình luận về bất kỳ mặt hàng chứa hình ảnh không được cấp phép của Taylor Swift và các nghệ sĩ khác. Nhưng công ty cho biết Taylor Swift đã thúc đẩy nhiều xu hướng trên trang web.

Chẳng hạn, nhu cầu tìm kiếm vòng choker có mặt đồng hồ tăng vọt 25% sau khi nữ nghệ sĩ đeo một chiếc trên thảm đỏ Grammy hồi tháng 3. Hay trong 6 tháng vào năm ngoái, khi tour diễn The Eras Tour của nữ tỷ phú đi khắp nước Mỹ, nơi những người hâm mộ có "truyền thống" trao đổi vòng tay tình bạn, các nhà cung cấp của họ đã bán được số vòng tay trị giá 3 triệu USD.

Sức mạnh của nền kinh tế Swiftie là không tưởng. 53 buổi hòa nhạc ở Mỹ đã đóng góp 4,3 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội trong năm ngoái, theo ước tính của Bloomberg Economics.

Đo lường phạm vi của thị trường không được cấp phép khó hơn, nhưng nhiều người hâm mộ không phân biệt nhiều giữa merchandise chính thức và merchandise không chính thức (do bên thứ 3 cung cấp, không được sản xuất bởi cửa hàng chính thức của Taylor Swift).

Paul Hardart, Giám đốc chương trình giải trí, truyền thông và công nghệ tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ), cho biết merchandise được coi như một "phần mở rộng của thương hiệu". Đó cũng là một ngành kinh doanh khổng lồ, đặc biệt đối với các nghệ sĩ lớn như Taylor Swift.

Điều này cũng có nghĩa các nhà khởi nghiệp muốn tận dụng sức hút của Taylor để kiếm tiền có nguy cơ vi phạm thương hiệu và bản quyền. Theo ông, người hâm mộ có thể tự do sáng tạo các sản phẩm cho riêng mình tại nhà, nhưng không nên sản xuất hàng loạt để bán vì mục đích thương mại, kiếm lời dựa trên sở hữu trí tuệ của người khác.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hang-lau-gop-phan-lam-bung-no-nen-kinh-te-taylor-swift-post1470935.html