Hạn hán khắc nghiệt khiến hàng triệu người đói ở phía nam châu Phi

Những cuộc khủng hoảng chồng chéo về thời tiết khắc nghiệt ở khu vực phía đông và nam châu Phi đang đẩy hàng triệu người dân đến bờ vực nạn đói.

Cẩn thận và tập trung cao độ, Zanyiwe Ncube rót phần dầu ăn ít ỏi quý giá của mình vào một chai nhựa tại địa điểm phân phát viện trợ thực phẩm nằm sâu trong vùng nông thôn Zimbabwe. "Tôi không muốn mất một giọt nào", cô nói.

Nhưng nhanh chóng, tâm trạng cô trùng xuống khi các nhân viên cứu trợ thông báo rằng đây sẽ là chuyến thăm cuối cùng của họ.

Ncube và đứa con trai 7 tháng tuổi mà cô cõng trên lưng nằm trong số 2.000 người nhận được viện trợ gồm dầu ăn, lúa miến, đậu Hà Lan và các nhu yếu phẩm khác ở quận Mangwe, phía tây nam Zimbabwe.

Số thực phẩm này là một phần của chương trình do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và được Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc triển khai.

Nông dân ở huyện Mangwe phía tây nam Zimbabwe đứng giữa cánh đồng trồng trọt khô cằn của mình trong bối cảnh hạn hán bao trùm quốc gia châu Phi này. Ảnh: AP

Chương trình hướng tới mục tiêu giúp đỡ một phần trong số 2,7 triệu người ở vùng nông thôn Zimbabwe đang bị đe dọa bởi nạn đói do hạn hán bao trùm phần lớn phía nam châu Phi kể từ cuối năm 2023. Đợt hạn hán đã thiêu rụi mùa màng mà hàng chục triệu người tự trồng trọt để kiếm sống.

Hạn hán ở Zimbabwe cũng như nước láng giềng Zambia và Malawi đã lên tới mức khủng hoảng, trong đó, Zambia và Malawi tuyên bố đây là thảm họa quốc gia. Zimbabwe sắp tới có thể sẽ đưa ra thông báo tương tự. Hạn hán đã lan đến Botswana và Angola ở phía tây, Mozambique và Madagascar ở phía đông châu Phi.

Ở huyện Mangwe (tỉnh Matabeleland, Zimbabwe), người già và người trẻ xếp hàng mua đồ ăn, một số dùng xe lừa hoặc xe rùa để mang về nhà bất cứ thứ gì họ có thể lấy được.

Thông thường, Ncube sẽ thu hoạch mùa màng, có đủ thức ăn cho cô, hai đứa con và một cháu gái mà cô đang chăm sóc. Thậm chí, cô có thể dư ra một chút lương thực để bán. Tuy nhiên, tháng 2 khô hạn nhất trong đời cô đã chấm dứt điều đó. "Trên đồng ruộng chúng tôi chẳng có gì, không một hạt thóc nào cả. Mọi thứ đã bị đốt cháy (do hạn hán)", cô nói.

Vậy mà chỉ một năm trước, phần lớn khu vực này bị ngập lụt bởi những cơn bão nhiệt đới và lũ lụt chết người. Đây là một chu kỳ thời tiết khắc nghiệt mà giới khoa học cho rằng các hiện tượng khí hậu cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại nhiều hơn, đặc biệt với những khu vực dễ bị ảnh hưởng.

Người dân huyện Mangwe chờ nhận viện trợ lương thực hôm 22/3. Ảnh AP

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khu vực đông và nam châu Phi là nơi phải đối mặt với "những cuộc khủng hoảng chồng chéo" về thời tiết khắc nghiệt. Cả hai khu vực này đã phải vật lộn với bão, lũ lụt cũng như nắng nóng và hạn hán trong năm qua.

Malawi, quốc gia phía nam châu Phi, ước tính một nửa dân số (khoảng 9 triệu người, một nửa trong số đó là trẻ em) cần được giúp đỡ. Trong khi đó tại Zambia, 30% dân số (hơn 6 triệu người, trong đó có 3 triệu trẻ em) bị ảnh hưởng bởi hạn hán, theo UNICEF.

Bà Eva Kadilli, Giám đốc UNICEF khu vực đông và nam châu Phi, cho biết: "Thật đáng lo ngại, thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ trở thành hiện tượng phổ biến ở miền đông và miền nam châu Phi trong những năm tới".

Đồng quan điểm, bà Francesca Erdelmann, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới tại Zimbabwe, cho biết vụ thu hoạch năm ngoái rất tệ nhưng mùa này thậm chí còn tệ hơn. "Đây là tình huống bất thường", bà nhận xét.

Ông Joseph Nleya, một nhà lãnh đạo truyền thống 77 tuổi ở huyện Mangwe, cho biết ông không nhớ thời tiết nóng nực, khô hạn và tuyệt vọng đến thế này. "Đập không có nước, lòng sông khô cạn. Chúng tôi đang dựa vào trái cây dại nhưng chúng cũng đã cạn kiệt", ông nói.

Ông cho biết thêm rằng mọi người đang vượt biên trái phép vào Botswana để tìm kiếm thức ăn và "nạn đói đang biến những người làm việc chăm chỉ trở thành tội phạm". Năm ngoái, nhiều cơ quan viện trợ đã cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra.

Khi mùa màng năm nay đói kém, hàng triệu người ở Zimbabwe, Malawi, Mozambique và Madagascar sẽ không thể tự nuôi sống bản thân cho đến năm 2025. Hệ thống cảnh báo sớm nạn đói của USAID ước tính rằng 20 triệu người ở khu vực nam châu Phi sẽ cần viện trợ lương thực trong vài tháng đầu năm 2024.

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/han-han-khac-nghiet-khien-hang-trieu-nguoi-doi-o-phia-nam-chau-phi-post289959.html