Hạn chế nguy cơ tạo ra 'khoảng trống miễn dịch'

Nhiều loại dịch bệnh đang tăng và dự báo thời gian tới còn tăng cao hơn. Do vậy, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để ngăn dịch bùng phát mạnh.

Tăng độ phủ tiêm chủng chính là cách phòng chống dịch tốt nhất.

Tăng độ phủ tiêm chủng chính là cách phòng chống dịch tốt nhất.

Dịch chồng dịch dịp hè

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 160 trường hợp mắc sởi và phát ban nghi sởi (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng tại Hà Nội, sau hơn 1 năm không ghi nhận ca bệnh, mới đây, đã có ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024.

Theo thống kê, năm 2014 và 2019 là hai chu kỳ dịch sởi bùng phát mạnh, đặc biệt năm 2014 có hơn 100 trẻ em tử vong vì căn bệnh này. Các chuyên gia lo ngại, nếu tính chu kỳ 5 năm thì năm 2024 có thể bùng phát dịch sởi.

Nói về nguy cơ bùng phát dịch hiện nay, đại diện Bộ Y tế cho hay, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, thời tiết thay đổi bất thường là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vắc-xin, dẫn đến nguy cơ gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin.

Cùng với sởi, hiện cả nước ghi nhận 118 trường hợp mắc ho gà (tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có 46 trường hợp mắc ho gà tại 20 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó lưu ý các bệnh như sởi, ho gà, cúm gia cầm...

Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh từ tháng 4 đến tháng 5/2024 tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Phú Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Kon Tum.

Bệnh nhân là trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 70%). Trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng thiếu vắc-xin thời gian qua, nên tỷ lệ tiêm ở trẻ không đạt như mong muốn. Chính vì miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi, nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.

Cũng gia tăng các ca bệnh, hiện cả nước ghi nhận 12.152 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng địa bàn Hà Nội ghi nhận 778 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cần chủ động trong cả nguồn lực, trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm, nhận định đúng tình hình…

Lấp đầy khoảng trống tiêm chủng

Các chuyên gia cảnh báo, ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện tiếp cận vắc-xin dịch vụ, lại bị trì hoãn tiêm vắc-xin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, có thể dẫn đến nguy cơ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại.

Bài học thấy rõ là trong giai đoạn Covid-19, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn khiến dịch bệnh xảy ra ở một số nơi, trong đó có dịch bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh Hà Giang và Điện Biên.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, không chỉ người dân cần thay đổi nhận thức về vắc-xin, chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có nhiều giải pháp để cung ứng đủ vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

Về nguyên nhân dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, một phần là do vấn đề tiêm vắc-xin còn sót nhiều trường hợp, miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng. Ngành y tế cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân hiểu biết các biện pháp phòng bệnh, bệnh nào có công thức để phòng bệnh đó. Bệnh hô hấp phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; bệnh tiêu hóa thì ăn chín uống sôi, rửa tay xà phòng; bệnh do tiếp xúc trực tiếp phải vệ sinh thân thể sạch sẽ, cách ly với người bị nhiễm bệnh, trẻ nhỏ cho nghỉ học khi bị bệnh.

Người nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với người khác, nếu người lành tiếp xúc với người nghi ngờ thì phải dự phòng đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Bệnh chân tay miệng lây theo đường tiêu hóa, nên phải rửa dụng cụ để không lây cho trẻ qua đường ăn uống.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiêm vắc-xin đầy đủ những mũi cơ bản và tuân thủ tiêm nhắc lại. Thời gian qua, do thiếu vắc-xin, thì hiện nay và thời gian tới cần phải tiêm vét, tiêm bù.

Về việc nhiều trẻ đã tiêm đủ mũi vắc-xin, nhưng vẫn có thể mắc bệnh, theo ông Phu, là chuyện khá bình thường vì vắc-xin đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.

Sở dĩ như vậy là bởi tác dụng của vắc-xin cao nhất chỉ đạt 90%, còn 10% vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, chưa kể có vắc-xin chỉ đạt hiệu quả 70-80%. Những người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.

Đặc biệt, với vắc-xin phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra, y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét, hạn chế tối đa các “khoảng trống” tiêm chủng.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/han-che-nguy-co-tao-ra-khoang-trong-mien-dich-d214928.html