Hải Dương chẳng hiếm vận động viên 'rẽ ngang' nổi danh

Được đào tạo môn thể thao này nhưng lại chuyển sang luyện tập, thi đấu môn khác và đạt được những thành công vang dội. Đó là câu chuyện thú vị về một số huấn luyện viên, vận động viên 'rẽ ngang' của Hải Dương.

Cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ - một học trò xuất sắc của huấn luyện viên Nguyễn Xuân Thành

Năng khiếu "đột biến"

Nguyễn Xuân Thành được giới thể thao Hải Dương gọi là người có năng khiếu "đột biến". Đến bây giờ, anh vẫn là tượng đài bắn súng của Hải Dương mà chưa có vận động viên nào qua được. Thời bắt đầu làm quen với bắn súng, khi được đưa đến Câu lạc bộ Bắn súng Hải Dương, anh đứng không cao bằng khẩu súng trường nên được thầy cho về, hẹn sang năm quay lại. Nhưng đam mê với môn thể thao này, anh Thành thường xuyên có mặt ở câu lạc bộ, tự nguyện làm các nhiệm vụ phục vụ cho các anh chị tập luyện, cốt để được sống trong môi trường... bắn súng. Khi trở thành vận động viên bắn súng, Nguyễn Xuân Thành từng 7 lần vô địch quốc gia, phá kỷ lục Đại hội Thể thao GANEFO đã tồn tại trên 10 năm.

Đến năm 2011, khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, Nguyễn Xuân Thành rẽ ngang sang bắn cung với vai trò... huấn luyện viên. Nếu thành công với vai trò vận động viên, thì trên cương vị huấn luyện viên của đội tuyển bắn cung vừa thành lập, anh Thành khiến tất cả phải bất ngờ khi lập tức gặt hái thành công, không chỉ trong tỉnh, trong nước, trong khu vực, mà đã vươn tầm thế giới. Đó là khi anh đưa được học trò cưng của mình là Nguyễn Hoàng Phi Vũ đến với Olympic - đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Đây là lần đầu tiên Hải Dương có cung thủ giành vé đi Olympic và cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển bắn cung góp mặt. Không chỉ có Nguyễn Hoàng Phi Vũ, anh Thành còn gây dựng được lớp học trò tài năng như Lê Phương Thảo, Trần Hoàng - các cung thủ từng trong đội tuyển quốc gia Việt Nam, giành huy chương bạc, huy chương đồng SEA Games; huy chương vàng Giải cúp xuất sắc châu Á. Trần Hoàng còn vô địch Giải cung thủ xuất sắc quốc gia. Còn nữ cung thủ xinh đẹp Lê Phương Thảo hiện nay lại xuất thân từ... vận động viên bóng chuyền.

Ở Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, Trần Thị Kim Oanh cũng là một tài năng "rẽ ngang". Không chỉ là thủ lĩnh của đội đua thuyền rowing Hải Dương, Kim Oanh nhiều năm nay vẫn là trụ cột của rowing quốc gia Việt Nam. Nhưng ít người biết, trước khi là vận động viên, rồi huấn luyện viên rowing, chị Kim Oanh là vận động viên điền kinh nặng (ném đẩy, phóng lao, ném đĩa...). Năm 1998, chị còn thử sức ở môn cử tạ song không thành công, sau đó mới chuyển sang đua thuyền và trở thành nhân tố chủ chốt để đưa đua thuyền Hải Dương thành một trong những đội mạnh nhất Việt Nam trong nhiều năm qua.

Cả thầy và trò cùng "rẽ ngang"

Từ bơi - lặn chuyển sang cử tạ, Nguyễn Thị Thiết lập tức gặt hái nhiều thành công ở cả vai trò vận động viên, huấn luyện viên

Tượng đài cử tạ Hải Dương cũng như của Việt Nam - người từng 2 lần bước đến đấu trường Olympic là Nguyễn Thị Thiết. Chị hiện là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển cử tạ Hải Dương. Trước khi đến với cử tạ, Nguyễn Thị Thiết là vận động viên bơi - lặn. Năm 1999, chị Thiết chuyển sang cử tạ và chỉ 1 năm sau đã gặt hái thành công ở giải trẻ và giải vô địch quốc gia. Năm 2001, chị giành đến 3 huy chương vàng hạng 58 kg nữ Giải vô địch quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Tại giải này, Nguyễn Thị Thiết vượt qua 2 lực sĩ của Hà Nội vừa giành huy chương bạc, huy chương đồng SEA Games. Từ 2001 đến khi nghỉ thi đấu để chuyển sang làm công tác huấn luyện (năm 2010), chị Thiết không có đối thủ hạng từ 58 - 63 kg. Các năm 2002, 2006, 2010, chị lập kỷ lục khi giành đến 9 huy chương vàng Đại hội Thể thao toàn quốc. "Nguyễn Thị Thiết có nền tảng thể lực của vận động viên bơi - lặn và xuất sắc, đột biến khi tiếp thu kỹ thuật của cử tạ. Thiết có trí thông minh, năng khiếu bẩm sinh nên chỉ một thời gian rất ngắn rẽ ngang đã có thành tích cấp quốc gia", anh Nguyễn Xuân Long, Trưởng Phòng Tập huấn thi đấu (Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương) nhận xét.

Huấn luyện viên cử tạ Nguyễn Xuân Long, người có công đưa Nguyễn Thị Thiết gặt hái vô số thành công từng được đào tạo chuyên sâu bắn súng

Một ngạc nhiên thú vị chính là huấn luyện viên Nguyễn Xuân Long, người có công đưa Nguyễn Thị Thiết đến thành công cũng là "tay ngang" khi xuất thân là vận động viên bắn súng từ năm 1990. Đến năm 1996 anh học đại học chuyên sâu bắn súng, năm 2000 ra trường rồi chuyển sang huấn luyện viên... cử tạ. Anh Long cho biết khi học đại học chỉ tiếp cận cử tạ một cách sơ khoáng nên khi làm huấn luyện viên môn này rất bỡ ngỡ. Khoảng năm 2001, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho đội cử tạ đi tập huấn nên mới có cơ hội học hỏi về bộ môn này. Cơ duyên đưa anh Long đến với cử tạ và có trong đội hình một dàn học trò xuất sắc gồm tượng đài Nguyễn Thị Thiết; Nguyễn Thị Hòa, 3 huy chương vàng quốc gia, phá kỷ lục quốc gia; Nguyễn Thị Ngân, 3 huy chương vàng Đại hội Thể thao toàn quốc, nhiều lần vô địch quốc gia và vô số huy chương vàng giải trẻ. Đội tuyển cử tạ Hải Dương từ năm 2007 - 2010 liên tục đứng thứ ba toàn đoàn, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong lịch sử thể thao Việt Nam không nhiều vận động viên, huấn luyện viên thành công sau khi "rẽ ngang", song ở Hải Dương lại không hiếm.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-chang-hiem-van-dong-vien-re-ngang-noi-danh-378662.html