Hạ tầng giao thông khung của Hà Nội: bứt phá ngoạn mục

Hà Nội đang có những chuyển biến vô cùng mạnh mẽ từ cách nghĩ, cách làm, ngày càng quyết liệt hơn, sáng tạo hơn trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung (HTGTK).

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Hiệu quả thực tế đã rất rõ nét với hàng loạt dự án, công trình lớn được hoàn thành, hoặc chuẩn bị đầu tư kỹ càng, nhanh chóng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 này.

Định hình các trục chính

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới kết cấu HTGTK của Hà Nội được định hướng theo hệ thống với 7 tuyến vành đai, 19 tuyến hướng tâm (trong đó có: 7 tuyến cao tốc hướng tâm; 8 tuyến quốc lộ hướng tâm; 4 tuyến kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh).

Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng, TP phấn đấu cuối năm 2024 sẽ hoàn thành phần đường dưới thấp trên địa bàn Thủ đô. Một bước ngoặt quan trọng của dự án là việc đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cho tách hai dự án cầu Hồng Hà và Mễ Sở ra thi công trước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, đây vốn là hai hạng mục của dự án đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP. Hà Nội đã kiến nghị sử dụng vốn đầu tư công đối ứng trong dự án PPP để xây dựng trước. Bởi nếu thiếu hai cây cầu này, các tuyến song hành với Vành đai 4 sẽ ngắt quãng khi đế bờ sông Hồng.

Bên cạnh đó, Dự án mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai mới đây cũng đã có đột phá trong khâu giải phóng mặt bằng, tách thành dự án riêng biệt giao địa phương làm chủ đầu tư. Đây cũng chính là cách làm hiệu quả đã giúp Vành đai 4 nhanh chóng hoàn tất chuẩn bị đầu tư, khởi công đúng thời hạn với 80% mặt bằng sạch được bàn giao.

Hà Nội sẽ tập trung cao độ nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Cùng đó, chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 - 2026 lên khoảng 30%.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Dương Đức Tuấn

Trên thực tế, khu vực phía Nam Thủ đô đang còn rất khó khăn về giao thông. Quốc lộ 1A bị chia thành nhiều đoạn “xôi đỗ”, mặt cắt rộng hẹp không đồng bộ; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thiếu kết nối hai bên, khó tiếp cận.

Để mở thêm hướng kết nối cho một loạt khu công nghiệp khu vực các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trước đường gom phía Đông cao tốc, đoạn tuyến Ngọc Hồi - Phú Xuyên. Định hướng chung là có thể giao cho chính quyền địa phương nghiên cứu, đấu giá quyền sử dụng đất 2 bên tuyến đường để đầu tư cho chính nó.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, các dự án nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng với giao thông đối ngoại của TP, đặc biệt là Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Khi Vành đai 4 hoàn thành, Vành đai 3 sẽ chỉ còn là đường trục đô thị, giảm tải rõ rệt ùn tắc giao thông cho nội đô TP.

Sáng tạo, quyết liệt

Theo ông Phan Trường Thành, Hà Nội đã đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 7 công trình trọng điểm. Trong đó có tuyến đường Bái Đính - Ba Sao kết nối khu vực phía Nam Thủ đô đến Mỹ Đình; cầu Vân Phúc kết nối với Vĩnh Phúc; nút giao Vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long; đường gom phía Đông của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; hầm chui nút Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy; cầu Hồng Hà; cầu Mễ Sở.

“Nếu kịp thời, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành phê duyệt đấu thầu để khởi công cầu Thượng Cát vào cuối năm. Tuy nhiên hiện nay tiến độ tương đối gấp bởi thủ tục đầu tư cũng như quy trình triển khai đầu tư tương đối nhiều” - ông Phan Trường Thành nói và cho biết thêm, việc đầu tư xây dựng HTGTK đang được tiến hành theo một trình tự khoa học, lựa chọn ưu tiên những dự án quan trọng, tạo thành vệt nối giao thông liền mạch với từng khu vực.

Chính vì vậy, TP đã đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư 7 cây cầu gồm: Hồng Hà, Vân Phúc, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở. Các cầu này không chỉ có ý nghĩa với một trục giao thông đơn lẻ mà còn tạo thành một loạt hướng kết nối có tính tương hỗ với nhau.

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Ví dụ như cầu Thượng Cát trên Vành đai 3,5 không chỉ kết nối riêng cho khu vực Đông Anh, phía Bắc sông Hồng mà còn kết nối đến phía Bắc Thủ đô (khu vực Mê Linh). Cầu Vân Phúc kết nối Hà Nội với Vĩnh Phúc theo trục dọc Bắc - Nam, khai thông hướng tiếp cận cho 7 huyện khu vực phía Nam TP.

Hay như với cầu Hồng Hà và Mễ Sở trên đường Vành đai 4, từ thực tiễn triển khai cần tách ra để thực hiện đầu tư công, xây dựng trước nhằm bảo đảm khi dự án thành phần đường song hành chính thấp hoàn thành là có thể bảo đảm kết nối ngay mà không phụ thuộc vào phần đường trên cao, sớm phát huy hiệu quả đầu tư Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Bên cạnh đó Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư một số hầm chui gồm: hầm chui Hoàng Quốc Việt, Mễ Trì. Đối với các hầm chui, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ sớm báo cáo lên UBND TP để trình HĐND TP thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư ngay trong kỳ họp vào tháng 6 tới.

Nếu được HĐND TP thông qua, các dự án hầm chui, đặc biệt là hầm chui Cổ Linh sẽ được phê duyệt trong tháng 9 và có thể khởi công trong năm 2024. Tổng mức đầu tư của mỗi hầm chui chỉ khoảng 600 - 700 tỷ đồng nhưng lại có thể giải quyết đa mục tiêu chứ không chỉ hạn chế ùn tắc giao thông.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Từ việc phân loại ưu tiên đầu tư, điều chỉnh dự án theo thực tiễn cho đến tính toán đa nhiệm với từng công trình, Hà Nội đang cho thấy tư duy đầu tư, phát triển HTGTK rất mạch lạc, mới mẻ và hiệu quả”.

Minh Tường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tang-giao-thong-khung-cua-ha-noi-but-pha-ngoan-muc.html