Hà Nội dự kiến thông qua Đề án tổng thể đường sắt đô thị

Dự kiến, Kỳ họp thứ 16 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội sẽ thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Dự kiến ngày 15/5, kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội khóa XVI (Kỳ họp thứ 16) nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra để xem xét các nội dung: Kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của TP Hà Nội; phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội...

Hà Nội sẽ thông qua Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt trong tháng 5/2024.

Bên cạnh đó, kỳ họp sẽ thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí Ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng.

Đáng chú ý, kỳ họp lần này dự kiến thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô; hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID; phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Trước đó ngày 9/5, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến của thành phố thảo luận dự thảo Nghị quyết Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Theo tờ trình của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,9 km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435 mm, với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 16,208 tỷ USD. Các tuyến có kế hoạch đáp ứng mục tiêu, gồm: Tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long); tuyến số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Ga Hà Nội - Yên Sở) và tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB cho biết, đến năm 2030, Hà Nội sẽ phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8/397,8 km (chiếm 24%) các tuyến còn lại của mạng lưới đường sắt đô thị Thủ đô; đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035. Đến năm 2045, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị dự kiến bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô.

Theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội giải đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, Hà Nội xác định sẽ có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị dài 550 km. Hệ thống đường sắt này được xác định là “xương sống” của giao thông đô thị.

Anh Quân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-du-kien-thong-qua-de-an-tong-the-duong-sat-do-thi-20240510141343051.htm