Hà Nội cần quyết liệt xử lý một cuộc đua không còn hiệu quả

Hà Nội đã chính thức hủy chặng đua Công thức 1 (Formula 1 - F1) năm 2020 và năm 2021 nhưng nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc xử lý phải nhanh chóng hơn, không nên để kéo dài gây lãng phí nguồn lực cần tập trung cho khôi phục kinh tế.

F1 không phải mối quan tâm của khán giả Việt Nam

Giải đua xe Công thức 1 (Formula 1 - F1) là môn đua xe thể thao "đắt giá". Sở dĩ gọi là đua xe công thức vì đây là những chiếc xe công nghệ cao được thiết kế đúng chuẩn ở mọi nơi trên thế giới từ Á đến Âu.

Năm 1950, giải đua lần đầu tiên được tổ chức tại Anh. Hiện nước này vẫn tổ chức đua xe F1 tại một sân bay cũ tên Silverstone. Năm 1929, giải đua mở chặng đua đường phố đầu tiên tại Monaco và hầu như giữ nguyên hiện trạng đến nay. Năm 2008, Singapore trở thành đường đua F1 buổi tối đầu tiên và là một trong những điểm hút du lịch của nước này.

Tại Việt Nam, bộ môn đua xe Công thức 1 không có sức hút mạnh như bóng đá. Cụ thể, dù giải đua F1 đã thu hút 1,7 tỷ người xem toàn cầu trên nhiều nền tảng truyền hình và kỹ thuật số trong 2018, tăng 10% so với năm 2017, nhưng Việt Nam không nằm trong Top 20 thị trường về lượng người xem.

Nhiều quốc gia tháo chạy khỏi F1 vì chi phí đắt đỏ

"Không ai biết khi nào nước Đức mới tổ chức lại một chặng đua F1 nữa", nhà báo Andrew Benson, chuyên gia về đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) từng cảm thán trong bài viết trên BBC vào tháng 3-2015.

Nước Đức, quê hương của hai huyền thoại F1 Michael Schumacher, 7 lần vô địch thế giới, và Sebastian Vettel, 4 lần vô địch thế giới, từng hai lần hủy kế hoạch tổ chức các chặng đua vào mùa 2015 và 2017. Trước đó, vào năm 1955, chặng đua ở Đức cũng từng hoãn lại một năm.

Theo Benson, người Đức không còn mặn mà với F1 nữa. Mỗi năm, hai trường đua Nurburgring và Hockenheim luân phiên tổ chức các chặng đua. Khi Nurburgring không thể "gồng gánh" thêm, Hockenheim được tin rằng sẽ chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, ban tổ chức chặng đua Hockenheim lại gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Ở các chặng đua thử, nhiều hàng ghế trống xuất hiện trên khán đài.

Các cuộc đua F1 diễn ra vào ban đêm trên đường phố là nét độc đáo của chặng đua Singapore Grand Prix. Ảnh: Ttgasia

Các cuộc đua F1 diễn ra vào ban đêm trên đường phố là nét độc đáo của chặng đua Singapore Grand Prix. Ảnh: Ttgasia

Kinh phí tổ chức đắt đỏ và đầu tư công phu khiến nhiều quốc gia khác cũng phải tạm ngưng hoặc ngừng tổ chức F1 như Pháp, Malaysia, Hàn Quốc.

Ấn Độ từng tổ chức 3 giải đua F1 và ngưng năm 2013 khi nợ phí tổ chức 51,4 triệu USD. Theo Forbes và CNBC, hợp đồng 10 năm cho một nơi đăng cai F1 trị giá gần 1 tỉ USD gồm phí tổ chức và hoạt động. Một quốc gia châu Á khác là Singapore cũng từng công khai chi phí tổ chức F1 hằng năm khoảng 100 triệu USD.

Năm 2010, Hàn Quốc lần đầu tiên đăng cai giải Korea Grand Prix với thời hạn 7 năm. Tuy nhiên nước này đã chấm dứt hợp đồng đăng cai trước thời hạn 3 năm vào năm 2013 vì thua lỗ 26 triệu USD vào năm 2012. Các nhà tổ chức Korean Grand Prix đã nỗ lực tái thương lượng các điều khoản hợp đồng cấp phép đăng cai với Công ty Formula One Group nhưng thất bại.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng dừng tổ chức chặng đua F1 vào năm 2011 sau 7 năm đăng cai liên tục. Phí đăng cai đắt đỏ là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ nước này không ủng hộ việc tổ chức giải đua xa xỉ này.

Trước khi dừng chặng đua F1, Malaysia trả phí đăng cai lên đến 46,7 triệu USD mỗi năm. Tháng 4-2017, Malaysia thông báo Malaysia Grand Prix 2017 là giải cuối cùng được tổ chức dù hợp đồng đăng cai đến năm 2018 mới hết hạn. Tuy nhiên, ông Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia, vào lúc đó giải thích rằng nước này dừng tổ chức Malaysia Grand Prix bởi phí đăng cai đắt đỏ và doanh thu bán vé lại giảm.

“Tôi nghĩ nên chấm dứt đăng cai F1, ít nhất là trong một thời gian vì chi phí tổ chức quá cao nhưng doanh thu hạn chế. Khi chúng tôi lần đầu tiên đăng cai F1, đó là một sự kiện trọng đại vì chúng tôi là nước thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản tổ chức chặng đua F1. Giờ đây, có quá nhiều nước đăng cai F1. Nó không còn mới lạ nữa”, Razlan Razali, Giám đốc điều hành trường đua Sepang International Circuit, Malaysia cho biết.

Nhiều nước hủy bỏ F1 vì bóng đen Covid-19

Bên cạnh những vấn đề về chi phí tổ chức, sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến Giải đua xe Công thức 1.

Chặng đua đầu tiên trong mùa giải tại Australia đã bị hủy bỏ trong khi ba chặng đua tại Trung Quốc, Việt Nam và Bahrain đã bị hoãn để chờ ngày sắp xếp lại lịch.

Trước đó, theo dự tính mùa giải F1 sẽ khởi tranh vào ngày 3-5-2020 với chặng đua ở Hà Lan. Tuy nhiên, sau đó phía Hà Lan đã tuyên bố hủy và lùi lại đến năm 2021. Sau khi thông báo hoãn hai chặng đua Hà Lan Grand Prix (từ ngày 1-5 đến 3-5-2020) và Tây Ban Nha Grand Prix (từ ngày 8-5 đến 10-5), Ban tổ chức (BTC) tiếp tục thông báo hủy chặng Monaco Grand Prix (từ ngày 21-5 đến 24-5) - chặng đua được xem là hấp dẫn nhất của mùa giải. Quyết định hủy luôn chặng đua tại Monaco được đưa ra bởi Hiệp hội đua xe Monaco Automobile Club de Monaco, một thành viên của ban tổ chức. Như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 1954, mùa giải F1 không đua tại Monaco.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Motosport.

Ảnh minh họa. Nguồn: Motosport.

Thông cáo của Automobile Club de Monaco giải thích lý do hủy luôn chặng đua: “Diễn biến dịch bệnh toàn cầu ở thời điểm hiện tại và nhận định những ảnh hưởng của nó tới mùa giải đua xe F1 thế giới 2020, đến các đội đua là rất khó đoán định. Cùng với đó là việc nhiều quốc gia trong đó có Công quốc Monaco áp dụng các biện pháp phong tỏa. Từ đó, không thể tập hợp các đội đua, huy động lực lượng nhân viên, tình nguyện viên (ước tính lên tới 1.500 người) để đáp ứng cho việc làm nên thành công của giải đua”.

Cũng theo thông báo ngày 12-6-2020 của BTC F1 cho biết: "Do tác động của dịch Covid-19, chúng tôi và BTC tại Azerbaijan, Singapore và Nhật Bản quyết định hủy các chặng đua tại các nước này trong mùa giải 2020".

BTC F1 cho biết việc không có đủ thời gian để xây dựng đường đua trong phố ở Singapore và Azerbaijan khiến việc tổ chức các sự kiện này không thể thực hiện. Trong khi đó, các lệnh hạn chế đi lại ở Nhật Bản là nguyên nhân tới việc hủy chặng đua này.

Theo lịch dự kiến, mùa giải F1 năm 2021 sẽ được bắt đầu vào ngày 21-3 với chặng đua đầu tiên tại Australia. Đây là một trong những chặng đua bị hủy ở mùa giải trước và BTC hy vọng các tay đua có thể tranh tài tại trường đua Albert Park ở mùa giải năm nay. Đại diện BTC F1 cho biết lúc này chặng đua Australia chưa chính thức bị hoãn nhưng với quy định các cá nhân tham gia chặng đua phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Australia khiến cuộc đua khó lòng diễn ra đúng lịch ngày 21-3.

Với việc chặng đua Australia chưa biết có diễn ra đúng lịch hay không, mùa giải F1 năm nay sẽ khởi đầu bằng cuộc đua ở Bahrain vào ngày 28-3. Trong khi đó, chặng đua tại Thượng Hải vào ngày 11-4 sẽ bị hoãn lại cho đến khi nào có một chặng đua khác thay đổi lịch trình, bởi Trung Quốc hiện vẫn là một trong số những quốc gia bị “cách ly” do dịch Covid-19.

Các hạng mục cuối cùng của đường đua F1 ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) tiếp tục được tháo dỡ sau khi chặng đua F1 tại Hà Nội bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: vietnambusinessinsider.vn

Các hạng mục cuối cùng của đường đua F1 ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) tiếp tục được tháo dỡ sau khi chặng đua F1 tại Hà Nội bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: vietnambusinessinsider.vn

Cần xử lý nhanh chóng hơn

Ngày 16-10-2020, UBND Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) thông báo hủy chặng đua xe Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020.

Ngay khi thông tin dừng chặng đua F1 năm 2020 công bố, nhiều ý kiến đã kêu gọi Hà Nội nên mạnh dạn dừng hẳn giải đua tại Việt Nam vì sự kiện này không còn giá trị văn hóa - kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Không chỉ F1, phần lớn các sự kiện văn hóa thể thao giải trí lớn, các show thời trang đình đám trên thế giới đều phải chủ động hoãn, hủy hoặc tiến hành trực tuyến với những sân khấu không khán giả. Vì thế, quyết định dừng chặng đua F1 của Hà Nội được nhiều người đánh giá là động thái kịp thời, hợp lòng dân. Mặt khác, xét trên góc độ kinh tế, thành phố và các chủ đầu tư đã bỏ một nguồn vốn không nhỏ để xây dựng và chuẩn bị cho chặng đua. Dù những khoản đầu tư bỏ ra không thu hồi lại được, nhiều khán đài đã sẵn sàng phải dỡ bỏ, nhưng đây cũng được coi là phương án “cắt lỗ” sáng suốt và kịp thời.

Dư luận cho rằng, việc cần làm gần đây là phải xử lý nhanh chóng, dứt điểm, không nên chậm trễ để tập trung các nguồn lực cần thiết cho phục hồi kinh tế trong một trạng thái bình thường mới.

LÊ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/ha-noi-can-quyet-liet-xu-ly-mot-cuoc-dua-khong-con-hieu-qua-649712