Hạ Long: Rút ngắn khoảng cách vùng cao với thành thị

Khu vực vùng núi của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gọi là vùng rừng Hoành Bồ hiện có 12 xã, số đông là người thiểu số. Các xã đang sôi nổi hưởng ứng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đồng bào rẻo cao phấn khởi gọi là Nghị quyết rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với thành thị.

Hạ Long (Quảng Ninh) là địa phương đầu tiên của cả nước đã phát động phong trào thi đua đặc biệt, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Vắn tắt về thành phố Hạ Long, thành phố Hạ Long thành lập ngày 27/12/1993, theo Nghị định số 102-CP, trên cơ sở toàn bộ diện tích 271,95km2, chiều dài bờ biển gần 50km và dân số của thị xã Hồng Gai. 10 năm sau, ngày 26/9/2003, thành phố được công nhận là đô thị loại II. 10 năm tiếp theo, ngày 10/10/2013, thành phố Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Thành phố Hạ Long - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Theo quy hoạch tại thời điểm nâng cấp từ thị xã lên thành phố, Hạ Long hình thành 5 vùng kinh tế, đó là vùng thương mại, dịch vụ (bao gồm các phường Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Hồng Gai, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà, Cao Xanh, Cao Thắng), vùng công nghiệp, lâm nghiệp (bao gồm các phường Hà Trung, Hà Tu, Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Phong), vùng khu công nghiệp, cảng biển (bao gồm khu vực phía Tây Bắc phường Bãi Cháy, phía Bắc phường Việt Hưng và các phường Hà Khẩu, Giếng Đáy), vùng du lịch, thương mại (bao gồm khu vực phía Nam phường Bãi Cháy, phường Hùng Thắng, Tuần Châu) và vùng nông, lâm, ngư nghiệp (bao gồm phường Đại Yên và khu vực phía Nam phường Việt Hưng).

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến chỉ đạo sát các cơ sở Đảng xây dựng chương trình hành động thiết thực, để rút ngắn sự chênh lệch giàu nghèo giữa các xã vùng cao hẻo lánh với các phường nội thị.

Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, sáp nhập toàn bộ 843,54km² diện tích tự nhiên và 51.003 người của huyện Hoành Bồ gồm thị trấn Trới và 12 xã vào thành phố Hạ Long. Thành lập phường Hoành Bồ thuộc thành phố Hạ Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Trới. Sau khi sáp nhập, thành phố Hạ Long có 1.119,36km2 diện tích tự nhiên, diện tích mặt nước 126,8km2, quy mô dân số 362.407 người, dân tộc thiểu số 21.635 người; với 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 phường và 12 xã.

Thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ hợp nhất lấy tên chung là thành phố Hạ Long nhưng tầng kinh tế - xã hội khác nhau. Thành phố Hạ Long không còn xã, là đô thị loại I khi ấy huyện Hoành Bồ nhiều xã vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số còn trong diện xóa đói nghèo (135), thị trấn huyện chưa đạt đô thị loại IV. Hai địa phương 2 quy hoạch riêng lẻ, ngày 10/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.

Theo đó, thành phố Hạ Long có diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322km2, được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh; khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của thành phố Hạ Long, nâng cao chất lượng đô thị, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa vùng cao và thành thị.

Cấu trúc phát triển của thành phố Hạ Long gồm 5 quy hoạch vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven vịnh Hạ Long và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc (Hoành Bồ cũ) thành phố.

Nghị quyết số 78-NQ/TU ngày 02/01/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025 với 10 mục tiêu cụ thể: Một là, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn phấn đấu đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.

Hai là, mỗi xã có ít nhất 1 mô hình phát triển sản xuất tập trung hoặc mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hoặc mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, phấn đấu mở rộng thêm 290ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; 110ha rau, hoa màu các loại; 75ha cây dược liệu; phát triển đàn gia súc trên 1.400 con, hàng năm duy trì đàn gia cầm trên 300.000 con. Thu hút đầu tư để xây dựng cụm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Vũ Oai; hình thành khu chế biến dược liệu 20ha tại xã Quảng La và khu sản xuất dược liệu công nghệ cao tại xã Dân Chủ.

Bốn là, phấn đấu có 60 thôn nông thôn mới (đạt 83,3%); 9 xã nông thôn mới nâng cao; xã Sơn Dương, Dân Chủ, Bằng Cả đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về phát triển sản xuất, môi trường, văn hóa.

Năm là, có thêm ít nhất từ 10 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có từ 1 sản phẩm đạt 4 sao; phấn đấu mỗi năm có từ 5 sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP, phát triển mới ít nhất 1 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 mô hình phát triển sản xuất tập trung hoặc mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Sáu là, thu hút ít nhất từ 3 doanh nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bảy là, duy trì tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 65%; 100% các trường đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt chuẩn.

Tám là, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; xóa toàn bộ các điểm lõm sóng khu vực trung tâm các thôn, xã.

Thành phố Hạ Long đô thị loại I (không còn xã), nhưng khi hợp nhất với huyện Hoành Bồ có thêm 12 xã, nhiều xã vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số dân còn nghèo và lạc hậu.

Chín là, hoàn thành quy hoạch các khu di tích văn hóa trên địa bàn thành phố; hoàn thành quy hoạch Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã; 100% các nhà văn hóa thôn được cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây mới. 100% các xã thành lập, duy trì hoạt động các câu lạc bộ như: Thể dục, thể thao; văn nghệ dân gian; văn nghệ quần chúng...

Mười là, nâng cấp các xã Lê Lợi, Thống Nhất để thành phường năm 2025; xã Sơn Dương cơ bản đảm bảo các tiêu chí thành lập phường vào cuối năm 2025.

Định hướng đến năm 2030, các xã 100% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 71 thôn nông thôn mới (đạt 98,6%); trục đường liên xã 100% có hệ thống điện chiếu sáng công cộng; đường liên thôn được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường; góp phần xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy Hạ Long hợp lòng dân. Đồng bào rẻo cao vùng Hoành Bồ cũ phấn khởi gọi là Nghị quyết rút khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với thành thị.

Một số hình ảnh về đổi mới ở các xã vùng cao Hạ Long:

Xã Đồng Lâm khe bản ánh màu ngói mới, nhiều căn nhà kiểu biệt thự khang trang hòa trong màu xanh của rừng.

Xã Lê Lợi đã hình thành các dãy phố, thị tứ, tiểu đô thị để thành phường năm 2025.

Trường THPT và THCS Quảng La là 1 trong số 22 trường THPT chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh.

100% các trường đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên đạt chuẩn.

Các xã vùng cao thực hiện lộ trình trồng cây gỗ lớn vì lợi ích lâu dài; và khôi phục lâm sản sau gỗ, tạo môi trường sinh sống cho muông thú, chim chóc.

Xã Kỳ Thượng dân bắt đầu làm kinh tế du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Các xã vùng rừng Hoành Bồ khôi phục đàn gà Bang - Trới với nổi tiếng thương hiệu nhiều thập kỷ.

Khoan thăm dò địa chất để mở đường từ Bằng Anh, xã Tân Dân điểm nối Quốc lộ 279 tắt rừng Đồng Rì, đến Tây Yên Tử (Bắc Giang).

Dự án nâng cấp đường tỉnh 342 từ xã Kỳ Thượng qua xã Thanh Lâm và Đạp Thanh của huyện Ba Chẽ, đến xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn).

Cầu đường 4 làn xe xuyên rừng, sự thay đổi kỳ diệu ở xã vùng cao Đồng Lâm trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Dao.

Nút giao đường 10 làn xe nối Quốc lộ 279 với Tỉnh lộ 342 xuyên rừng qua các xã Đồng Lâm, Kỳ Thượng và 2 xã của huyện Ba Chẽ kết nối với tỉnh Lạng Sơn.

Đường nối xã Sơn Dương - xã Đồng Sơn có chiều dài 19,1km, điểm đầu từ ngã ba thôn Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn. Đường được thiết kế quy mô cấp 5 miền núi với 2 làn xe, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-long-rut-ngan-khoang-cach-vung-cao-voi-thanh-thi-374438.html