Gương mặt thơ: Phạm Nguyễn Toan

Đang có một thế hệ các nhà báo trẻ, năng động, là tổng biên tập các tờ báo của một số hội đoàn, hiệp hội tự chủ kinh phí, làm báo giỏi mà lại cũng thơ hay.

Bây giờ, làm báo nuôi đủ quân mà vẫn thảnh thơi làm thơ là rất khó, thế mà họ làm được. Thi sĩ Phạm Nguyễn Toan là người như thế. Anh là Tổng Biên tập Tạp chí Bất động sản, tờ tạp chí rất khô nhưng có nhiều mục rất mềm và bản thân anh thì làm thơ rất mượt. Làm thơ từ thời sinh viên nhưng anh mới in tập thơ đầu tiên vào năm 2018.

Thơ anh cứ bình dị thế này: “Con mèo vàng chiều nay cũng như con/Ngồi thờ thẫn góc cầu ao nhớ mẹ/Đám mùi già xin đừng thơm quá thể/Tất niên này ai nấu nước nữa đâu...”. Bình dị là thế nhưng lại cứa vào ta những nỗi niềm, những bộn bề thương nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ và những góc ký ức. Thơ anh lành, thường man mác ký ức, thao thức đồng quê, bịn rịn những chuyến đi, háo hức nơi sắp tới và ẩn sâu trong ấy là tình yêu, cái tình yêu bình dị, tình yêu da diết đằm sâu của hồn Việt, của những dư lắng ngàn năm đọng lại: “Như chúng bạn bao tháng ba ngày tám/Con lớn lên trong tiếng mẹ thở dài/Hoa gạo rụng xuống làng như cời lửa/Đỏ làm gì cho áo mẹ thêm phai”, rồi tự vấn: “Rồi con cũng lại giống như bè bạn/Bỏ làng đi quên thương khó một thời/Để chiều nay rượu buồn nơi phố thị/Bỗng thèm mùi khói bếp quá mẹ ơi!”.

Thơ anh dung dị và lành như một cách để cân bằng với cái sắc sảo nghề báo. Và, phải yêu thơ đến như thế nào mới làm được điều ấy.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

HÁT RU CON GÁI

À ơi… con gái của cha

Ngủ đi hỡi đóa tiên nga giáng trần

Cha đi đón những thiên thần

Về ru con giấc mơ xuân ngọt ngào.

Minh họa: Huyền Trang

Rồi cha đón bạn ca dao

Về ru con giấc chiêm bao đêm hè

Đón cả cái ngủ cái nghê

Chú Cuội cô Tấm cùng về Trung thu

Nhớ rồi, cha cũng đã lo

Mời ông cổ tích khi mùa đông sang…

À ơi… cái bống cái bang

Ngủ đi cái bạc cái vàng của cha

Mỗi lần nhìn hạt mưa sa

Lòng cha quặn nhớ lời bà năm xưa

“Cái cò đi đón cơn mưa…”

Cha đi đón những sớm trưa đồng lần

Mong con sau lấy chồng gần

Chẳng vì canh cải canh cần gì đâu

Chỉ thương nhỡ chẳng có cầu

Con cha phận gái sông sâu đò đầy…

À ơi… gió trở ngoài cây

Ngủ đi, kiếp trước kiếp này của cha…

XUYẾN CHI

Lòng hoang hoải anh tìm về nơi ấy

Ngoại thành xưa gọi nhớ một mối tình

Vẫn nguyên vẹn cả triền đê ký ức

Và bồi hồi kỷ niệm chẳng thanh minh…

Minh họa: H. T

Em còn nhớ nơi chúng mình hò hẹn

Hoa xuyến chi mê mải trắng nao lòng

Tiếng tàu chạy dập dồn trống ngực

Vô duyên là chú cá quẫy trên sông.

Sao thuở ấy chúng mình trong sáng thế

Chỉ cầm tay là run rẩy suốt tuần

Chỉ một cái hôn hờ lên mái tóc

Là tâm hồn vỗ cánh tận không trung.

Chiều nay anh một mình bên bến cũ

Nắng hanh hao bỏng rát nỗi xuân thì

Trong day dứt kẻ vô tình thi sĩ

Anh kể cho mình truyền thuyết xuyến chi.

BÊN CẦU AO NHỚ MẸ

Con trở về ném những vệt thia lia

Xuống cầu ao nơi mẹ ngồi giặt áo

Nơi ngày thơ con thường vừa vo gạo

Vừa nghêu ngao bài hát ăn mày...

Minh họa: T.N

Vắng mẹ rồi mới hiểu nỗi đắng cay

Hiểu lối người xưa ca dao tục ngữ

Mồ côi mẹ ra đường liếm lá...

Con ngồi đây kệ tôm tép ngó nhìn.

Con nhận ra mình bạc tóc chẳng khôn

Nên chưa biết một ngày thương mẹ

Như cây bưởi góc vườn mẹ chăm như thế

Tết đến nơi mà quả chửa ngả màu.

Đời mẹ nghèo tiết kiệm cả ốm đau

Đi cũng vội không một lời từ biệt

Để chiều nay con ngồi đây mà tiếc

Những buổi trốn trưa mẹ chẳng đánh đòn.

Con mèo vàng chiều nay cũng như con

Ngồi thờ thẫn góc cầu ao nhớ mẹ

Đám mùi già xin đừng thơm quá thể

Tất niên này ai nấu nước nữa đâu...

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/guong-mat-tho-pham-nguyen-toan-post275196.html