Góp sức cùng đồng bào xóa hủ tục

Không chỉ tiên phong trong mọi phong trào thi đua, những “trụ cột” của bản làng là người có uy tín, già làng, trưởng bản và cán bộ, đảng viên đã trở thành những tuyên truyền viên giỏi góp sức mở lối cùng đồng bào các dân tộc huyện Quang Bình xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.

Huyện Quang Bình tổ chức các hoạt động tuyên truyền xóa bỏ hủ tục bằng hình thức sân khấu hóa.

Thôn Thượng Bình nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cách xa nhất trung tâm xã Yên Thành với 65 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Pà Thẻn, số ít còn lại là dân tộc La Chí sinh sống. Sau nhiều năm mong mỏi, chờ đợi, thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế bởi mang nặng tập tục lạc hậu như: Sinh đẻ đông con; tảo hôn, kết hôn cận huyết; đám cưới khao làng, tổ chức 2 - 3 ngày; người mất cho vào quan tài không đậy nắp, chọn ngày rồi mới đưa đi an táng và mổ nhiều gia súc. Những hủ tục đó hiển nhiên tồn tại, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, khiến cho đời sống bà con càng thêm vất vả, nhọc nhằn, thậm chí có những gia đình phải cõng trên vai món nợ cả cuộc đời chưa hết.

Thấu hiểu những điều đó, anh Làn Văn Tả, Bí thư Chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Thành đã gương mẫu đi đầu trong cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục trên chính bản làng của mình theo đúng Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai, trở về thôn Thượng Bình, bà con ai cũng tấm tắc dành lời khen cho anh, nhờ sự tận tụy, nhiệt huyết, tinh thần dám nghĩ, dám làm. Anh Tả chia sẻ: “Với quyết tâm phải thay đổi, thông qua Tổ tuyên truyền xóa bỏ hủ tục của thôn, tôi đã tập hợp cán bộ, đảng viên, những người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư đến gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước bài trừ hủ tục lạc hậu. Với cách truyền đạt dí dỏm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, đến nay, các hộ không thách cưới cho con, sính lễ chỉ còn gà, rượu, gạo và một chút tiền mặt theo điều kiện kinh tế của nhà trai, đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Đối với dân tộc Pà Thẻn không còn tình trạng mở nắp quan tài và cho xem mặt người chết trước khi chôn”.

Đội ngũ tuyên truyền viên xã Hương Sơn (Quang Bình) gương mẫu thực hiện xóa hủ tục.

Với sự vào cuộc quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản và sự chủ động, ý thức tự giác của nhân dân, xã Yên Thành có 8/8 thôn với 100% hộ dân ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Mỗi tổ chức chính trị - xã hội xây dựng một mô hình hay trong bài trừ hủ tục, tiêu biểu là mô hình xóa bỏ tình trạng tảo hôn tại thôn Pà Vầy Sủ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã; mô hình “3 không” của Đoàn thanh niên; câu lạc bộ nghệ nhân dân gian giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; dòng họ Hoàng Viền, thôn Yên Lập xóa bỏ hủ tục. Không những cải tiến trong việc cưới, việc tang, các gia đình tích cực tham gia lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm, di dời chuồng trại ra xa nhà, cải tạo, làm mới nhà vệ sinh và nhà tắm, đảm bảo môi trường sạch, đẹp, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Nhờ những cánh tay nối dài của Đảng, xã Hương Sơn dần tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 27. Từ những chi phí quá lớn, tốn kém đến gần trăm triệu đồng, lễ nghi rườm rà trong việc tổ chức ma chay, cưới xin, đồng bào dân tộc Tày, Dao đã từng bước thay đổi nhận thức, ủng hộ và nghiêm túc chấp hành việc xóa bỏ hủ tục. Đồng chí Hoàng Văn Nguồn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hơn 1 năm qua, trên địa bàn xã có 26 cặp kết hôn đúng độ tuổi, được cấp Giấy chứng nhận kết hôn tại UBND xã, lễ cưới diễn ra chỉ 1,5 ngày; trong 7 đám tang đều không để quá 48 tiếng, các đoàn đến viếng không phải chờ theo thứ tự, số lượng cành hoa đã giảm. Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, để người dân vững bước xây dựng cuộc sống mới, bên cạnh việc điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, xã xác định lấy lực lượng cán bộ cơ sở, người có uy tín làm nòng cốt trong cuộc chiến xóa bỏ hủ tục, quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ, trẻ em, nỗ lực giảm nghèo, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương”.

Với bài học kinh nghiệm từ những điểm sáng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Quang Bình đang phát huy rất tốt vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên ở thôn, tổ dân phố. Qua đó, tạo thành sợi dây bền chặt, mô hình dân vận khéo, giúp đồng bào các dân tộc càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vì cuộc sống tươi đẹp hơn mỗi ngày.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202307/gop-suc-cung-dong-bao-xoa-hu-tuc-3dc1dfb/