Giữ vùng đặc sản dâu da An Phước

Thời hoàng kim, xã An Phước (huyện Long Thành) phát triển được cả trăm hécta dâu da. Tại vùng đất này có nhiều vườn dâu da có tuổi đời hàng chục năm. Dâu An Phước là đặc sản nổi tiếng xa gần về chất lượng ngon.

Ông Huỳnh Văn Sơn, nông dân giỏi trồng dâu da lâu năm tại xã An Phước, huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Qua thời gian, diện tích cây trồng này bị thu hẹp dần nhưng đây vẫn là vùng trồng dâu lớn nhất tỉnh. Nông dân trồng dâu da nói riêng, trồng các loại đặc sản trái cây ngon tại địa phương này nói chung đã liên kết lại, thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp VAC sinh thái trái cây Long Thành. Vùng đặc sản này đang chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với du lịch vườn để vùng đặc sản trái cây ngon này không bị mai một.

Cây đặc sản gắn bó cả đời người

Ông Huỳnh Văn Sơn là một trong những nông dân trồng dâu da lâu năm tại xã An Phước. Trong vườn của ông hiện có những cây dâu gần 40 năm tuổi. Đây cũng là vườn dâu luôn đảm bảo cho chất lượng trái ngon nên những năm gần đây, địa phương luôn chọn sản phẩm của gia đình ông đưa đi trưng bày, giới thiệu tại Lễ hội tôn vinh trái cây Đồng Nai được tổ chức thường niên vào vụ trái cây hè.

Năm 2024, vườn dâu của gia đình ông Sơn cho thu hoạch sớm từ Tết Nguyên đán nên bán được với giá từ 40-45 ngàn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với khi rộ vụ. Ông Sơn chia sẻ, mùa thu hoạch của dâu da An Phước thường bắt đầu từ tháng 4, rộ vụ vào tháng 6-7 âm lịch. Để cây trồng này cho thu hoạch sớm và kéo dài vụ, ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch năm trước, ông đã chủ động tỉa cành, nhánh cho cây, bón phân chuồng và xử lý ngắt nước sớm hơn so với bình thường để thúc cây ra hoa sớm. Với kỹ thuật xử lý cho dâu ra hoa sớm, mùa thu hoạch của cây trồng này có thể kéo dài khoảng 7 tháng/năm, bắt đầu cho thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch.

Ngoài cây dâu da, xã An Phước cũng phát triển được hàng chục hécta trồng đặc sản măng cụt và các cây trồng khác như: bưởi, chôm chôm…

Ông Sơn kể lại, từ trước năm 1975, một số nhà vườn ở vùng này đã có trồng cây dâu da, nhưng chỉ trồng vài cây để ăn. Từ thời ông còn nhỏ, trong vườn nhà đã có cây dâu. Lúc đó, nông dân trồng từ hạt dâu, chứ không phải cây giống như sau này. Đến nay, ông Sơn đã hơn 60 tuổi, là nông dân trồng dâu ngon có tiếng trong vùng, vì gần như cả đời làm nông ông luôn chăm sóc cây trồng này.

Xã An Phước ở vùng đất thấp, được thủy triều từ các nhánh sông, kênh rạch bồi đắp cho đất đai màu mỡ. Mấy mươi năm trước, vùng đất này chủ yếu trồng các loại cây đặc sản: sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, măng cụt… Khi các vườn cây ăn trái già cỗi, suy kiệt dần vì dịch bệnh, năng suất kém, chất lượng trái không còn ngon, nhiều gia đình chuyển sang trồng dâu. Giống dâu trồng ở An Phước chủ yếu là dâu xiêm. Để có giống dâu chất lượng ngon như bây giờ là cả quá trình lai ghép. Các nhà vườn chọn giống bằng cách tuyển chọn những cây ngon nhất trong vườn, trái to, ngọt, chuỗi trái dày, năng suất cao để nhân giống. Nhiều nhà vườn mất nhiều năm trồng thử nghiệm, tuyển lựa, chặt bỏ những cây chất lượng kém mới ra được vườn dâu ngon như bây giờ. Khoảng 30 năm trở lại đây, dâu da mới thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân trong vùng.

Tăng giá trị cho vùng trồng đặc sản

Cùng với xu thế đô thị hóa, khu công nghiệp, nhà máy mở nhiều, ô nhiễm nguồn nước, môi trường cũng ảnh hưởng đến cây trồng trong vùng, nhiều nông dân chặt bỏ vườn cây để xây nhà trọ, bán đất nền, khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có diện tích cây dâu da, ngày càng thu hẹp.

Xã An Phước hiện chỉ còn khoảng 40 hécta trồng dâu. Nhờ chất lượng ngon nên đây là đặc sản du lịch được bán nhiều tại các điểm dừng chân, một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, hoặc đưa đi tiêu thụ ở những thành phố lớn.

Giám đốc HTX Nông nghiệp VAC sinh thái trái cây Long Thành Nguyễn Hữu Trí chia sẻ, HTX được thành lập nhằm giữ gìn và khôi phục diện tích những cây ăn trái, đặc biệt là cây dâu da, một đặc sản không đụng hàng của địa phương. HTX đang ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) làm ra phân bón hữu cơ cung cấp với giá rẻ cho nông dân. Các xã viên tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững. Định hướng của HTX là phát triển vùng đặc sản gắn với khai thác du lịch vườn để tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Long Thành, dâu da hiện là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nhà vườn tại địa phương. Đây cũng là đặc sản có thương hiệu nên huyện khuyến khích nông dân giữ và nhân rộng diện tích cây trồng này. Địa phương đang hỗ trợ cho HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu vùng đặc sản trái ngon, trái sạch gắn với phát triển du lịch vườn để tăng thêm thu nhập cho nông dân. Địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân xây dựng những vườn mẫu sạch, đẹp. Các tuyến đường xã, xóm, ấp được quan tâm chỉnh trang, xây dựng đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp về tận nhà vườn để thu hút du khách về thăm, thưởng thức đặc sản sạch ngay tại vườn trồng.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/giu-vung-dac-san-dau-da-an-phuoc-37f5500/