Gieo chữ 'hạnh phúc' nơi rẻo cao

Dù mang trong mình bệnh trọng nhưng vượt lên số phận, cô giáo Nguyễn Thị Hồng (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trung Chải, thị xã Sa Pa) vẫn miệt mài với công tác giáo dục, từng ngày gieo chữ 'hạnh phúc' cho các em nhỏ nơi rẻo cao.

Từ trung tâm xã Trung Chải, men theo con đường bê tông bám vào sườn dốc ven núi, chúng tôi đến điểm trường Vù Lùng Sung II - 1 trong 8 điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trung Chải. Đến cổng trường, dù chỉ có dãy nhà cấp bốn với 2 phòng học tựa bên lưng núi đã phai màu, với lớp rêu xanh nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ không khí rộn ràng, tươi vui. Từ thầy cô giáo đến học sinh, ai cũng chân chất và có sức sống mạnh mẽ vốn có của núi rừng. Có lẽ, sức sống mãnh liệt ấy đã ngấm vào máu của những con người nhỏ bé nơi đây như cô giáo Nguyễn Thị Hồng - người đang phải chịu những cơn đau do căn bệnh hiểm nghèo để gieo chữ nơi rẻo cao này.

Tiếp xúc với cô giáo Hồng, người đối diện luôn cảm nhận sự nồng ấm, nhiệt tình với lối nói chuyện cởi mở. Nhìn dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn cùng chất giọng giảng bài đầy nội lực vang lên giữa núi rừng, chẳng ai nghĩ cô đang mang trọng bệnh…

Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Lào Cai, năm 1997, cô giáo Nguyễn Thị Hồng được phân công về dạy học tại Trường Tiểu học Thanh Phú (nay là xã Mường Bo, thị xã Sa Pa). Đến năm 2000, cô chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Sử Pán (nay là xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa). Năm 2012, cô tiếp tục được phân công về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trung Chải cho đến nay. Suốt 27 năm trong nghề, cô Hồng dành trọn thanh xuân của mình để “bám bản”. Trải qua các đơn vị công tác, mặc dù phải sống xa gia đình nhưng bằng tình yêu nghề, niềm đam mê dạy học, cô giáo Hồng vẫn miệt mài gieo con chữ và nâng bước từng thế hệ học sinh.

Tuy nhiên, sứ mệnh “gieo chữ” của cô Hồng gặp khó khăn, trắc trở. Tháng 6/2022, sau một lần mắc Covid-19, cô đi khám và các bác sỹ thông báo cô mắc bệnh hiểm nghèo. Sốc, lo lắng, hoang mang, thậm chí mất phương hướng, nhiều lúc có suy nghĩ tiêu cực, là những trạng thái của cô Hồng khi biết tin mình mang bệnh. Với những cơn đau hành hạ thể xác và tinh thần, những tưởng cô sẽ buông xuôi mặc cho số phận nhưng cô đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục đến lớp, đến trường với học sinh thân yêu.

Cô Hồng tâm sự: Phải mất gần 1 tháng tôi mới bắt đầu có niềm tin và chiến đấu với bệnh tật sau khi được gia đình, đồng nghiệp động viên.

Cũng chính những động lực từ gia đình, đồng nghiệp và tình yêu con trẻ đã giúp cô Hồng sống lạc quan hơn. Những tiết giảng của cô ngày càng nhiều tiếng cười hơn, dẫu cho khó khăn phía trước còn rất nhiều. Đối với cô giáo Hồng, giờ đây, còn được đứng trên bục giảng đã là một niềm hạnh phúc. Từ hạnh phúc ấy, cô lan tỏa trong những con chữ mà cô đang “gieo” cho học sinh nơi rẻo cao này.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng có chuyên môn tốt, luôn mang đến cho học trò các bài giảng hay, dễ hiểu. Đối với đồng nghiệp, cô Hồng có lối sống giản dị, hòa đồng, đoàn kết; đối với học sinh thì thương yêu, giúp đỡ các em trong mọi hoàn cảnh. Cô Hồng là giáo viên đầy trách nhiệm, nghị lực, một tấm gương để đồng nghiệp noi theo.

Cô giáo Vàng Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trung Chải

Sự gần gũi, nhiệt thành của cô Hồng cũng để lại trong chúng tôi những ấn tượng về câu chuyện vượt lên số phận để cống hiến cho công tác giáo dục miền núi. Tin rằng, cô Hồng sẽ vượt qua khó khăn để chống chọi, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục với đam mê của mình.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/gieo-chu-hanh-phuc-noi-reo-cao-post382353.html