Giao thông hào: Sáng tạo đặc biệt của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố: Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, cách đánh sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong rất nhiều những cách đánh thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo đặc biệt của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thuật 'vây lấn' với hệ thống giao thông hào tạo thành một hệ thống siết chặt dần, như chiếc thòng lọng thắt cổ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là minh chứng điển hình.

Khi chiến hào trở thành vũ khí tiến công

Trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ, phương pháp chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” ra đời. Theo đó, chiến thuật này được vận dụng để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào tung thâm.

Việc quân ta áp dụng chiến thuật "vây, lấn, tấn, diệt", triển khai làm giao thông hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự đã là một trong những yếu tố bất ngờ đối với địch.

Phân tích cụ thể về sự bất ngờ ngày, Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống cho biết: "Ai cũng biết, chiến hào là “vật tĩnh”, là phương tiện phòng hộ. Cổ kim đông tây, chưa bao giờ chiến hào được xem là vũ khí tiến công. Trên chiến địa, chiến binh thường đào chiến hào xong xuôi rồi mới vào trận. Mà đào chiến hào - giao thông hào để phòng ngự là chính. Ở Điện Biên Phủ lại không như thế. Bộ đội ta đã rất sáng tạo, biết biến chiến hào thành “vật động”, thành vũ khí tiến công. Dĩ nhiên, trước khi giao chiến, bộ đội ta cũng đào công sự nhưng những công sự đó đã biến thành chiến hào. Chiến hào cứ dài dần theo bước tiến quân. Bộ đội đánh tới đâu, chiến hào theo tới đó. Địch phát hiện, phản kích, tìm cách lấp chiến hào, bộ đội ta giáng trả. Khi địch rút, quân ta lại đào chiến hào để tiến công tiếp. Đây là một công việc được tiến hành rất tỉ mỉ, chu đáo".

Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội đã đào 2 loại đường hào:

"Loại thứ nhất là đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, cơ động lực lượng lớn bộ đội. Đường hào trục sẽ chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm.

Loại thứ hai là đường hào tiếp cận địch của bộ binh. Đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt.

Các loại đường hào đều có chiều sâu 1,7m, không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy hào bộ binh rộng 0,5m, đáy hào trục rộng 1,2m.

Dọc đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công".

Tuy nhiên, việc đào hào, xây dựng trận địa thực sự là một cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh. Thực tế ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là trong quá trình bộ đội đào giao thông hào, địch cho máy bay ném bom, bắn phá và sử dụng các đội tuần tiễu bắn vào bộ đội ta, đã khiến công việc đào hào của bộ đội ta thực sự không dễ dàng, thậm chí nguy hiểm.

Ban đầu, việc xây dựng hệ thống chiến hào tiến hành chủ yếu vào ban đêm, đào đến đâu ngụy trang đến đấy và phải đồng thời triển khai trên toàn mặt trận để phân tán sự chống phá của địch. Nhưng, khi các giao thông hào của ta đã vươn dài tới hàng chục km trên cánh đồng thì không còn cách nào che mắt được kẻ thù. Chúng dùng pháo binh và không quân bắn phá suốt ngày đêm, đưa quân ra những trận địa ở gần để san lấp và gài mìn ngăn chặn việc đào tiếp. Mỗi mét đường hào không chỉ hình thành bằng mồ hôi mà còn bằng cả xương máu của các chiến sỹ.

"Trung đội tôi được biên chế 30 người, có nhiệm vụ đào một đoạn giao thông hào khoảng 50m. Chúng tôi tổ chức thành hàng dọc mỗi người cách nhau khoảng 1,5m, người đi đầu phải giữ một quả cầu rơm đường kính khoảng 0,5m để chặn đạn bắn thẳng của địch cho cả đội hình. Lúc đầu nằm đào, sau dần dần chuyển sang cúi và ngồi đào..., vừa đào vừa phải tránh đạn pháo và đạn bắn thẳng của địch vì cứ 10-15 phút chúng lại bắn một đợt đạn cối. Trong thời gian hơn một tuần liền, cứ 5 giờ chiều chúng tôi lại sẵn sàng vũ khí, cuốc xẻng tiến ra trận địa để đào giao thông hào cho đến gần sáng. Trong 3 đêm đầu, trung đội tôi đã mất 15 người cả hy sinh và bị thương, nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ trên giao"- sự gian khổ, hy sinh của công tác đào hòa nơi chiến trường khốc liệt đã được hình dung lại phần nào qua lời kể của ông Lê Quyên, Đại tá cựu chiến binh, chiến sĩ Điện Biên năm xưa với báo chí.

Bộ đội ăn cơm dưới chiến hào. Ảnh: T.L

Còn Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, trong cuốn sách Điện Biên Phủ Điểm hẹn cũng kể lại: "Về cuối, đào hào phải tiến hành về ban đêm, 5 giờ chiều, khi trời Tây Bắc chạng vạng, chúng tôi mới xuất quân. Mỗi người mang theo một bó ngụy trang để đào đến đâu ngụy trang đến đó. Phân chia thứ tự từng người vào vị trí đào để tránh ùn tắc, lộn xộn và đề phòng pháo cối của địch. Cứ như thế, chúng tôi đào xong mới được về, có khi phải đào suốt đêm đến mờ sáng. Gian khổ nhất là khi gặp trời mưa ướt lạnh, bùn lầy nước đọng, cũng có khi gặp đoạn đất đá cứng khó đào".

Chuyện kể rằng, sau khi nghe báo cáo về tình hình xây dựng trận địa, ngày 20/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết một bức thư gửi bộ đội:"…Tôi được báo cáo các đồng chí đã làm trận mấy ngày liền lại phải chiến đấu, rồi lại phải liên tục bắt tay vào làm trận địa, như thế có đồng chí mệt nhọc.

Nhưng ta mệt nhọc thì cần phải nhớ rằng, quân địch ở Điện Biên Phủ còn căng thẳng mệt nhọc hơn ta, thương binh không có hầm mà nằm, không đủ thuốc để chữa, công sự một phần bị sụp một phần bị rung chuyển, tiếp tế không đầy đủ, thỉnh thoảng laiặnmột quả đại bác của ta, lại thêm thương vong.

Như vậy, chúng ta nên nghỉ ngơi để cho kẻ địch có thì giờ mà nghỉ ngơi chân chỉnh, có thì giờ mà tăng viện, mà thả dù tiếp tế, mà phát huy hiệu lực pháo binh và không quân của chúng, hay chúng ta là chiến sĩ của quân đội nhân dân, là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, lúc này phải nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chịu mỏi mệt hơn một phần để gây thêm mười phần mệt mỏi và khó khăn cho địch. Giữa hai con đường đó, nên đi con đường nào? Tôi chắc các đồng chí đều đồng thanh trả lời nên phát huy truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng của quân đội ta để liên tục làm trận địa, liên tục chiến đấu với địch…".

Chiếc thòng lọng thắt cổ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và thầm lặng của những chiến sĩ Điện Biên, một hệ thống hầm, hào chằng chịt đã được hình thành tạo điều kiện để các đơn vị và hỏa lực mạnh của ta trút lửa xuống lòng chảo Điện Biên. Về chiều dài, lúc đầu được ước tính trên bản đồ khoảng 100 km, nhưng trong suốt quá trình chiến dịch, bộ đội ta đã phải đào lên gấp đôi trong điều kiện vô cùng gian khổ, hiểm nguy, liên tục khoảng từ 14 đến 18 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Trong giao thông hào có giao thông hào trục kết nối từ trung đoàn này sang trung đoàn kia, từ sư đoàn này sang sư đoàn khác. Dưới giao thông hào, quân ta có thể kéo pháo và vũ khí.

Trong khi đó các tài liệu của Pháp thì cho rằng, đến tháng 4 năm 1954, tổng chiều dài hệ thống chiến hào của quân đội Việt Nam đã lên khoảng 400km.

Theo Đại tá Nguyễn Danh Phương (Học viện Chính trị), quân ta đã tiến hành đột phá có trọng điểm các cứ điểm, cụm cứ điểm, lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn địch, lần lượt bóc vỏ các trung tâm đề kháng từ ngoài vào trong, làm cho địch không thể chi viện, ứng cứu cho nhau.

Với chiến thuật bao vây, đánh lấn, các đơn vị đào hệ thống công sự, giao thông hào, chiến hào lần dần đến từng vị trí lô cốt của quân Pháp. Trận địa chiến hào của ta dài hàng trăm km, bao gồm các hệ thống hầm hào lớn, nhỏ, phức tạp, vừa mang tính tiến công, vừa mang tính phòng ngự, vừa bảo đảm chiến đấu, vừa bảo đảm các điều kiện sinh hoạt hàng ngày của bộ đội. Giao thông hào cũng là con đường để chúng ta vận chuyển thương binh. Với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.

Bộ đội ta vây lấn bằng hệ thống giao thông hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của Pháp. Ảnh tư liệu

Tại Tọa đàm Nghệ thuật quân sự Chiến dịch Điện Biên Phủ – Bài học thực tiễn trong chiến đấu hiện nay do Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 cùng báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 4/4/2024, Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự, phân tích việc phát triển hệ thống công sự chiến đấu thành trận địa tiến công, bao vây giúp bộ đội trụ vững suốt 56 ngày đêm chiến sự. Những đường hào giao thông với hàng vạn hầm cứu thương, hầm chứa vũ khí… đã hạn chế thấp nhất tổn thất của bộ đội Việt Nam trước hỏa lực quân Pháp. Thậm chí, bộ đội còn xây dựng được những trận địa giả để nghi binh nhờ hệ thống hầm hào.

Đánh vây lấn, bộ đội dựa vào hệ thống giao thông hào phá bãi mìn, gỡ hàng rào kẽm gai, áp sát chân cứ điểm, rồi bất ngờ đồng loạt xung phong phá từng cứ điểm, cụm cứ điểm. Cách đánh khiến quân Pháp khiếp vía vì không biết đối phương sẽ tiến công khi nào, từ hướng nào.

Nói như các chuyên gia nghiên cứu quân sự trên thế giới, hệ thống giao thông hào đã như chiếc thòng lọng từng ngày, từng tháng thít chặt quân Pháp ở Điện Biên Phủ, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trang Nguyễn

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thứ làm quân Pháp khiếp sợ nhất là những đường hào của Việt Minh. Hệ thống giao thông hào có tổng chiều dài khoảng 200km do bộ đội ta đào để thực hiện cách đánh vây lấn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được một số chuyên gia nghiên cứu quân sự trên thế giới ví như chiếc thòng lọng thắt cổ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm cho quân Pháp chết dần, chết mòn….

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-thong-hao-sang-tao-dac-biet-cua-quan-doi-ta-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post293767.html