Giáo dục lòng yêu nước qua di tích lịch sử-văn hóa

Chiều 10-4, Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Chư Păh phối hợp tổ chức vòng chung khảo cuộc thi thiết kế mô hình giới thiệu về di tích công trình văn hóa trọng điểm quốc gia năm 2024.

Vòng chung khảo cuộc thi diễn ra trong không khí sôi nổi. Các đơn vị đã tự tin thuyết trình về mô hình và trả lời các câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra. Sau khi hoàn thành phần thi thuyết trình của đội mình, các đội đã nán lại theo dõi và cổ vũ cho phần thi của đội bạn.

Phần thi thuyết trình về mô hình “Nhà rông làng Kon Sơ Lăl” của Thượng úy Phan Thị Thuận (Đoàn cơ sở Công an huyện Chư Păh) đã tạo ấn tượng với Ban giám khảo bởi sự đầu tư và am hiểu nét văn hóa truyền thống của người Bahnar. Mô hình nhà rông có phần mái làm bằng lá tranh, vách nhà đan bằng tre nứa, cầu thang bằng gỗ cùng các họa tiết trang trí hình mặt trời, cồng chiêng… Mô hình được đoàn viên, thanh niên thực hiện trong 2 tuần, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Để mô hình đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng, Đoàn cơ sở Công an huyện trực tiếp đến làng Kon Sơ Lăl gặp người dân để tìm hiểu về quá trình thiết kế, dựng nhà rông, các chi tiết minh họa sao cho phù hợp với nét văn hóa truyền thống của người Banhar.

Đoàn cơ sở Công an huyện Chư Păh đạt giải nhì cuộc thi với mô hình Nhà rông làng Kon Sơ Lăl. Ảnh: Phan Lài

Với sự đầu tư công phu, mô hình “Nhà rông làng Kon Sơ Lăl” của Đoàn cơ sở Công an huyện đã đạt giải nhì cuộc thi; Thượng úy Phan Thị Thuận giành được giải phụ phần thi thuyết trình ấn tượng nhất. Chị Thuận cho hay: “Tôi thấy phần lớn nhà rông đều bê tông hóa từ cầu thang, tường nhà, nền nhà và mái lợp bằng tôn. Trong khi đó, nhà rông ở làng Kon Sơ Lăl được thực hiện công phu bởi bàn tay tài hoa của dân làng. Thông qua mô hình này, chúng tôi mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa của người Bahnar ở xã Hà Tây đến với mọi người”.

Giành giải nhất của cuộc thi là mô hình “Ngọ Môn-Kinh thành Huế” của nhóm tác giả đến từ Trường THCS-THPT Phạm Hồng Thái. Mô hình làm hoàn toàn từ gỗ, mô phỏng phần đài-cổng Ngọ Môn và lầu Ngũ Phụng. Trong đó, Ngọ Môn với lối kiến trúc 5 cổng, lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống, trang trí hình rồng, chim phụng. Màu sắc từng bộ phận, chi tiết của mô hình phù hợp với Ngọ Môn trong thực tế.

Để hoàn thành sản phẩm, nhóm tác giả tìm hiểu thông tin trên mạng internet, phác họa mô hình rồi tìm vật liệu lắp ráp. Các thành viên trong nhóm còn khéo léo lắp ráp thêm một số bóng đèn để tạo sự lung linh cho mô hình vào buổi tối. Mô hình được thiết kế tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo của đoàn viên, thanh niên. Em Nguyễn Thị Thanh Nhàn (lớp 11A1, Trường THCS-THPT Phạm Hồng Thái) cho biết: “Trong quá trình lắp ráp mô hình, em và các bạn tìm hiểu thêm thông tin về di tích lịch sử này. Em sẽ đến tham quan di tích lịch sử Ngọ Môn trong dịp hè 2024”.

Chị Trương Thị Huyền Tâm-Bí thư Đoàn trường THCS-THPT Phạm Hồng Thái-chia sẻ: “Việc tham gia cuộc thi giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Các em dễ dàng tiếp thu kiến thức về môn Lịch sử, Địa lý thay vì phương thức truyền đạt truyền thống”.

Tại vòng chung khảo, 10 tổ chức cơ sở Đoàn đã mang đến cuộc thi các mô hình về: Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, núi lửa Chư Đang Ya, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích chiến thắng cứ điểm 42 Biển Hồ-1972, chùa Một Cột… Bằng việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và khéo léo, tỉ mỉ trong thể hiện, các mô hình trở nên sinh động, chân thực.

Đoàn viên, thanh niên Trường THCS-THPT Phạm Hồng Thái chia sẻ quá trình lắp ráp mô hình di tích “Ngọ Môn-Kinh thành Huế”. Ảnh: M.N

Tại vòng chung khảo, các đội giới thiệu mô hình (lịch sử hình thành, các giá trị đặc trưng về văn hóa, con người); chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Ban giám khảo cuộc thi chấm điểm các mô hình về tính thẩm mỹ; đảm bảo tính lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của sản phẩm; mức độ đầu tư. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các đội.

Chị Nguyễn Hoài Phương-Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh-cho biết: Cuộc thi triển khai từ ngày 28-2-2024. Ở vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã nhận được 15 sản phẩm dự thi của các tổ chức cơ sở Đoàn; mỗi sản phẩm dự thi gồm hình ảnh, 1 video clip ghi lại quá trình thực hiện sản phẩm và 1 bài giới thiệu tóm tắt về mô hình. Ban giám khảo đã chấm điểm và chọn 10 mô hình vào vòng chung khảo. Các mô hình được đăng tải và bình chọn trên Fanpage Cổng thông tin Huyện Đoàn Chư Păh. Ban Thường vụ Huyện Đoàn đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết của đoàn viên, thanh niên khi tham gia cuộc thi. Các mô hình đều được đầu tư, lắp ráp tỉ mỉ, đẹp mắt mô phỏng công trình di tích-lịch sử văn hóa ở trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, một số mô hình vẫn còn đơn giản, có chi tiết chưa phù hợp với thực tế nên cần điều chỉnh.

“Thông qua cuộc thi này, Huyện Đoàn mong muốn khơi gợi niềm tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ và bảo vệ các công trình lịch sử, văn hóa của các bạn trẻ. Đồng thời, đoàn viên, thanh niên cũng hình thành được kỹ năng thuyết trình và tinh thần làm việc nhóm. Sau cuộc thi, Ban Thường vụ Huyện Đoàn chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh chi tiết mô hình để trưng bày tại Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Chư Păh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029”-Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh thông tin.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/giao-duc-long-yeu-nuoc-qua-di-tich-lich-su-van-hoa-post273174.html