Giải tỏa hàng đáy trên sông, chuyển đổi sinh kế cho hộ dân

Hiện nay, trên các tuyến sông, kênh, rạch nội đồng và ven biển tỉnh Cà Mau vẫn còn tồn tại các hình thức khai thác thủy sản như: nò, đó, vó, lú (lú quế, lú đuôi chuột), đăng, đáy,...; trong đó, nghề đóng đáy có mặt hầu hết trên các tuyến. Các hoạt động khai thác thủy sản này chủ yếu mang tính chất tự phát nên đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đường thủy nội địa, môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Mặc dù các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh và chính quyền các địa phương đã nhiều lần thực hiện công tác giải tỏa nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn tồn tại và chưa được giải quyết dứt điểm.

Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết người có liên quan đến các hoạt động đóng đáy trên sông, rạch. Từ thực tế này, Sở NN&PTNT vừa xây dựng phương án và đã được UBND tỉnh phê duyệt việc thực hiện thí điểm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).

“Việc thí điểm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác bằng nò, đó, vó, lú,... trên sông, kênh, rạch tại tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi là rất cần thiết, nhằm lập lại trật tự kỷ cương an toàn giao thông đường thủy nội địa, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trả lại sự thông thoáng cho luồng, lạch”, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhấn mạnh.

Hàng đáy tồn tại nhiều năm qua trên tuyến sông Ông Đốc, gây ảnh hưởng đến đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa, môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên; cần từng bước giải tỏa, song hành với đó là tính sinh kế chuyển đổi cho người dân ổn định cuộc sống.

Theo số liệu điều tra, thống kê của huyện Trần Văn Thời và huyện Ngọc Hiển, tính đến ngày 26/9/2023, tổng số hộ tham gia hoạt động nghề đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch tại 2 khu vực thí điểm nêu trên là 143 hộ/471 lao động chính. Trong đó, số hộ tham gia hoạt động nghề đáy là 129 hộ/436 lao động chính, số hộ tham gia hoạt động khai thác thủy sản khác (nò, đó, vó, lú...) là 14 hộ/35 lao động chính.

Qua khảo sát các hộ tham gia hoạt động nghề đáy trên sông, rạch thì có 99 hộ có nguyện vọng chuyển đổi nghề sau khi giải tỏa (chiếm 76,75%).

Đây không phải lần đầu tiên Cà Mau thực hiện việc giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch mà việc làm này đã được triển khai thực hiện thí điểm vào năm 2018, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả.

Lần này, với quyết tâm cao và chủ trương hành động của UBND tỉnh, rất cần có sự đồng thuận, nhất trí cao của cộng đồng dân cư và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trên cơ sở căn cứ các quy định hiện hành để thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Việc giải tỏa phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Huy động mọi nguồn lực từ các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, xã cùng tham gia thực hiện công tác giải tỏa.

Các nghề khai thác nói trên là các nghề truyền thống, có từ lâu đời và chuyển tiếp qua nhiều thế hệ; đa phần người dân tham gia hoạt động nghề đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, kênh, rạch đều có trình độ học vấn thấp, không đất sản xuất, không có thu nhập khác và cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trong công tác giải tỏa, tỉnh đồng thời quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tìm giải pháp chuyển đổi sinh kế cho các hộ dân bị ảnh hưởng sau khi giải tỏa, giúp người dân có cuộc sống ổn định.

Tại thời điểm khảo sát (tháng 9/2023), thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có 11 hộ hành nghề đóng đáy trên sông Ông Đốc.

Ông Châu Công Bằng cho biết, trước mắt UBND huyện Trần Văn Thời, huyện Ngọc Hiển tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân biết về chủ trương của tỉnh cũng như các quy định của Nhà nước về công tác giải tỏa các hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch để người dân hiểu và đồng thuận nhằm thực hiện thuận lợi và có hiệu quả; đồng thời, có kế hoạch quản lý chặt chẽ, không để tái lấn chiếm sau khi đã được giải tỏa.

Ông Bằng thông tin thêm, ngay trong năm nay sẽ tiến hành thực hiện thí điểm giải tỏa hàng đáy của 82 hộ trên tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và 47 hộ trên địa bàn xã Đất Mũi. Tổng kinh phí thực hiện trên hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó ưu tiên dành trên 1,4 tỷ đồng cho việc chuyển đổi nghề sau giải tỏa./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giai-toa-hang-day-tren-song-chuyen-doi-sinh-ke-cho-ho-dan-a31075.html