Giải quyết 'vấn nạn' đi ngược chiều trên quốc lộ

Hiện nay, trên các quốc lộ, nhất là quốc lộ 1 và quốc lộ 51 gần các khu đông dân cư, khu công nghiệp thường xảy ra tình trạng xe máy đi ngược chiều. Đây là vấn nạn trên 2 quốc lộ này suốt nhiều năm qua mà hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông đang ra quân quyết liệt xử lý.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát người đi xe máy đi ngược chiều trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn tình trạng đi ngược chiều trên các quốc lộ, bên cạnh việc ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông thì cũng cần xem xét khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông qua các khu vực này.

Nhan nhản xe máy đi ngược chiều

Mỗi buổi sáng, trên quốc lộ 1 đi qua các phường: Tân Biên, Tân Hòa (thuộc thành phố Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom)… thường xuất hiện tình trạng người lái xe máy đi ngược chiều. Họ chủ yếu là người dân địa phương di chuyển ngược chiều trên các quãng đường ngắn vì “ngại” băng qua đường giữa dòng xe đông đúc hoặc không muốn đi vòng quá xa tới các đoạn mở dải phân cách để qua đường. Hành vi này vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Anh Nguyễn Minh Hiếu (ngụ thành phố Biên Hòa) cho biết: “Dù biết đi ngược chiều là sai nhưng đôi lúc do quãng đường cần quay lại chỉ vài trăm mét nên một vài người đi ngược chiều cho nhanh. Vả lại, quốc lộ 1 luôn đông đúc các loại xe nên họ ngại băng qua đường, nhất là vào giờ cao điểm”.

Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đi ngược chiều diễn ra nhan nhản trên các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai, nhất là khu vực gần các khu công nghiệp, chợ, trường học… Điển hình như quốc lộ 1 đoạn gần ngã ba Trị An và Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom); quốc lộ 51 đoạn dốc 47 (thành phố Biên Hòa), vòng xoay đường dẫn lên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành)… Thời gian người đi xe máy đi ngược chiều ồ ạt nhất là khung giờ cao điểm đầu buổi sáng và cuối buổi chiều.

Nguy hiểm hơn, do lượng người đi ngược chiều đông, hình thành dòng xe nối đuôi nhau nên đã vô tình “ép” các xe máy đi đúng chiều phải chạy ra làn của xe ô tô, dẫn đến nguy cơ va chạm giao thông rất cao. Thậm chí, nguy cơ xe máy đi đúng chiều va chạm với xe máy đi ngược chiều rất cao.

Trên thực tế, tình huống trên đã xảy ra, thương tâm nhất là vào trưa 14-6-2023, xe máy biển số 61S1-3777 lưu thông từ quốc lộ 51 đúng chiều qua đường Bùi Văn Hòa (thành phố Biên Hòa) thì va chạm với 1 xe máy (không rõ biển số) đi ngược chiều. Cú va chạm khiến 2 người ngồi trên xe máy biển số 61S1-3777 té xuống đường. Ngay lúc đó, xe tải ben biển số 60H-106.18 chạy phía sau không kịp xử lý nên đã cán qua người em N.T.T.A. (nữ, 16 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) ngồi trên xe máy biển số 61S1-3777 khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Người đi xe máy ngược chiều bị phạt 1-2 triệu đồng

Theo khoản 5, Điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng), người điều khiển xe máy đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Ghi hình xử phạt trong giờ cao điểm

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông vì người chạy xe máy đi ngược chiều trên các quốc lộ, hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông đang tổ chức kiểm soát, xử phạt tại các khu vực thường xảy ra tình trạng này. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử lý nghiêm để chấn chỉnh ý thức tuân thủ pháp luật giao thông ở một bộ phận người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Công an thành phố Biên Hòa đang tổ chức tiếp nhận hình ảnh, clip được người dân ghi lại về các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông như: chạy xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… Trên cơ sở đó, công an sẽ mời người điều khiển xe lên làm việc, xử phạt “nguội” các hành vi nói trên.

Cùng với việc xử lý nghiêm hành vi đi ngược chiều, ngành chức năng đang củng cố lại hạ tầng các khu vực giao lộ thường xuyên xuất hiện tình trạng xe máy đi ngược chiều, như: bố trí các đoạn đường song hành ngắn để người dân có thể di chuyển thuận lợi từ khu dân cư ra đến các điểm giao trên quốc lộ.

Điển hình như quốc lộ 1 qua thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), nhờ có 2 đoạn đường 29-4 và đường Nguyễn Hữu Cảnh song song với quốc lộ 1 nên khu vực này hiếm xuất hiện tình trạng xe máy đi ngược chiều. Hay khu vực ngã tư Amata có tuyến đường song hành nối từ đường Yết Kiêu ra cổng chào Khu công nghiệp Amata (thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đã giúp giảm hẳn tình trạng xe máy đi ngược chiều như trước đây.

Bà Nguyễn Thị Thuân (ngụ thành phố Biên Hòa) cho rằng, việc mở các dải phân cách cứng để xe máy qua đường trên quốc lộ dễ làm xuất hiện các điểm thường xảy ra tai nạn. Vì vậy, một trong những giải pháp mà người dân mong mỏi là có thêm các đoạn đường song hành với quốc lộ gần các nút giao lớn. Việc này giúp cho người dân đi lại trong khu dân cư an toàn hơn thay vì phải chạy ra quốc lộ chung với các xe lớn; đồng thời sẽ hạn chế tình trạng xe máy đi ngược chiều trên các quốc lộ như hiện nay.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202404/giai-quyet-van-nan-di-nguoc-chieu-tren-quoc-lo-7b637a5/