Giải pháp phát triển kinh tế tập thể bền vững

Tại hội thảo với chủ đề 'Giải pháp phát triển kinh tế tập thể bền vững' vừa được Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức, nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đã được các chuyên gia, đại biểu dự hội nghị đề xuất.

Theo đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, vấn đề đặt ra đối với hội nông dân các cấp trong tỉnh là phải hỗ trợ cư dân nông thôn nâng cao nhận thức, phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh; giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắt, nhất là vấn đề nhân lực, tài chính.

Đến tháng 10-2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 3 liên minh hợp tác xã, 543 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ hơn 426,1 tỷ đồng, trong đó, Hội Nông dân các cấp vận động thành lập 198 hợp tác xã với 67.672ha canh tác, 55.642 thành viên, tạo việc làm cho 10.251 lao động.

Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận, Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa.

Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận, Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa.

Đề xuất 5 giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, đồng chí Trần Thanh Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Các địa phương cần thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, hợp tác xã ngừng hoạt động nhằm tạo dư địa cho thành lập hợp tác xã mới. Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút và đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại các hợp tác xã”.

Khó tiếp cận vốn, hoạt động đơn điệu chỉ 1-2 dịch vụ bơm tát, làm đất, phần lớn các hợp tác xã chưa đáp ứng đủ các thủ tục cần thiết như hóa đơn, truy xuất nguồn gốc… khi tìm đến doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện toàn tỉnh có 16 hợp tác xã đăng ký hóa đơn giá trị gia tăng.

Để tạo thuận lợi trong hoạt động dịch vụ, kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản cho các hợp tác xã, Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đề nghị Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cần có chương trình phối hợp liên tịch với Cục Thuế tỉnh Kiên Giang hướng dẫn các hợp tác xã đăng ký hóa đơn với cơ quan thuế.

Tiến sĩ Trần Minh Hải nói: “Để phát triển, các hợp tác xã phải hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc hỗ trợ, tương trợ thành viên tốt hơn trong sản xuất, đời sống; đồng thời, phải mua chung, bán cùng để kiểm soát chất lượng, đảm bảo số lượng hàng hóa lớn, lâu dài, tăng khả năng làm dịch vụ… nhằm lấy chiết khấu phục vụ hoạt động hợp tác xã”.

Nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp cho hợp tác xã, HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND, ngày 22-7-2020 quy định chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 340/2020/NQ-HĐND, ngày 22-7-2020 về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh…

Các hợp tác xã chủ động đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm quảng bá, giới thiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho thành viên. Kết quả đến nay, có 21 hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 37 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3-4 sao.

Hợp tác xã tôm - cua - lúa Thuận Phát, huyện An Minh (Kiên Giang) có 2 sản phẩm tôm khô và chả cá rô phi được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Ông Lê Thế Sua - Giám đốc Hợp tác xã tôm - cua - lúa Thuận Phát nói: “Kiến nghị các sở, ngành, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP”.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/giai-phap-phat-trien-kinh-te-tap-the-ben-vung-17518.html