Giải pháp cho bài toán thiếu lao động ở Đức

Theo DW, để duy trì hoạt động trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin (CNTT), Đức đang tìm cách thu hút sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Ấn Độ, vào lực lượng lao động nước này.

Ông Michael Flacke, Người phát ngôn của Cơ quan trao đổi học thuật Đức, cho biết sinh viên quốc tế chiếm khoảng 14% tổng số sinh viên trong nước. Theo ông Flacke, sinh viên quốc tế thường được coi là “những người nhập cư lý tưởng” vì họ đã sống ở Đức và học ngôn ngữ này. Về phần mình, ông Enzo Weber, chuyên gia nghiên cứu việc làm tại Đại học Regensburg, nhận định việc khai thác nguồn nhân lực quốc tế trở nên cần thiết khi Đức phải đối mặt với tình trạng dân số già và thiếu lao động lành nghề.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy Mercedes-Benz ở Sindelfingen, Tây Nam Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ông Weber đánh giá: “Với tình trạng khan hiếm lao động và dân số Đức đang thu hẹp do tỷ lệ sinh thấp, nhân lực quốc tế trở thành yếu tố quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh”. Ông Weber lưu ý ngành kỹ thuật của Đức đang có nhu cầu cao về các lao động lành nghề, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi do số hóa trong các lĩnh vực như máy móc và năng lượng. Vì vậy, việc thu hút và giữ chân những lao động có tay nghề trong lĩnh vực kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp Đức là điều cần thiết.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, có khoảng 43.000 sinh viên Ấn Độ đang theo học tại các trường đại học nước này. Sinh viên Ấn Độ ở Đức đăng ký các khóa học về CNTT và kỹ thuật với tỷ lệ trên mức trung bình. Điều đó khiến họ trở thành nhóm quan trọng trên thị trường lao động ở Đức. Anh Mohammad Rahman Khan, sinh viên đến từ Ấn Độ, đã chọn Đại học Hanover để theo đuổi ngành cơ điện tử và robot. Anh Khan cho biết: “Theo quan sát của tôi, Đức có nhu cầu đáng kể về các vị trí liên quan đến công nghệ và lập trình so với các lĩnh vực khác”.

Đạo luật nhập cư sửa đổi năm 2023 của Đức đã cho phép sinh viên quốc tế làm việc 20 giờ mỗi tuần. Thời gian này gấp đôi giới hạn trước đó. Hiện nay, Đức đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng và dân số già. Dự kiến, nước này sẽ thiếu 7 triệu công nhân lành nghề vào năm 2035. Với khoảng 700.000 vị trí tuyển dụng hiện chưa được lấp đầy, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống còn khoảng 0,7% từ mức khoảng 2% trong thập niên 1980.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giai-phap-cho-bai-toan-thieu-lao-dong-o-duc-5007061.html