Giải mật tài liệu của Pháp: Tướng Navarre, Cogny nói về thất bại ở Điện Biên Phủ

Nhiều tài liệu và thông tin về chiến dịch Điện Biên Phủ hiếm được công bố trong phim tài liệu 'Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp', lên sóng tối 7/5.

Những báo cáo của Pháp về Điện Biên Phủ

Phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp phát sóng đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Với thời lượng gần 50 phút, bộ phim mang đến góc nhìn mới về chiến dịch Điện Biên Phủ, cách người Pháp nhìn nhận nguyên nhân thất bại tại chiến dịch quan trọng này.

Các thông tin giá trị được khai thác từ khối tài liệu đồ sộ về chiến dịch, đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp (SHD), Quốc hội Pháp. Nhiều tài liệu và thông tin chưa hoặc ít được tiếp cận về sự kiện lịch sử này được công bố trong phim.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tướng Navarre bị chỉ trích vì tổ chức các cuộc hành binh làm phân tán lực lượng.

Bộ phim mở đầu với những tranh luận không dứt ở nghị trường Pháp về chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh Đông Dương đòi hỏi quá nhiều sự hy sinh của hàng nghìn gia đình Pháp, ảnh hưởng đến tài chính và vị thế của Pháp... Đó là những lý do được đưa ra để thúc đẩy cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh.

Những báo cáo, ghi chép về Điện Biên Phủ được gửi đi liên tục.

Vào 17h30 phút ngày 7/5/1954, sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả xâm phạm” khiến nước Pháp và cả thế giới rung chuyển.

Những thước phim chân thực ở Khải Hoàn Môn cho thấy tình hình rối ren. Cuộc chiến mới mở ra trong nội bộ nước Pháp, truy tìm nguyên nhân và người chịu trách nhiệm cho thất bại mang tên Điện Biên Phủ. Nhiều tướng lĩnh chủ chốt phải đến điều trần, trong đó có "tướng 4 sao" Henri Navarre.

Trong phim tài liệu "Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp", ê-kíp có nhiều tư liệu quý giá ở Cơ quan truyền thông và sản xuất nghe nhìn Bộ Quốc phòng Pháp - nơi lưu trữ lượng lớn tư liệu hình ảnh và những thước phim về quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Những đoạn phim về công tác vận chuyển vũ khí, khảo sát địa hình thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ được ghi lại.

Báo cáo hoạt động vận chuyển của không quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ thừa nhận lính nhảy dù gặp khó khăn vì địa hình và cảnh báo về khoảng cách giữa điểm tiếp nhiên liệu và Điện Biên Phủ.

Tư lệnh không quân Pháp Charles Lauzin lo lắng về tình hình thời tiết, hạ tầng thông tin yếu kém, địa hình "tồi tàn".

Từ 20/11/1953 đến 7/5/1954, quân đội Pháp dùng chiến thuật chủ yếu phụ thuộc bằng không quân. Tư lệnh Charles Lauzzin khẳng định: "Sự xuất hiện ngày càng lớn mạnh của lực lượng Việt Minh là lý do đầu tháng 12, Pháp quyết định đánh trận Tây Bắc, tập trung vào Điện Biên Phủ, bằng mọi giá giữ được nơi đây. Lực lượng không quân chịu trách nhiệm và hỗ trợ hoàn toàn cho chiến dịch".

Với quyết định này, hai chiếc máy ủi nặng 6 tấn, cùng hơn 1.000 tấn thiết bị các loại được chuyển đến Điện Biên Phủ. Bản báo cáo về giải pháp khắc chế pháo phòng không của bộ đội ta cũng được trình bày.

Video tư liệu quân Pháp chuẩn bị cho chiến dịch.

Các phi đội của không quân Pháp đã chụp hàng chục nghìn tấm ảnh về Điện Biên Phủ, ở nhiều độ cao khác nhau. Qua ảnh chụp của quân Pháp, một số đường hào, dấu vết xe cơ giới của bộ đội Việt Minh cũng bị phát hiện.

Theo chia sẻ của nhà sử học, tiến sĩ Ivan Cadeau (Bộ Quốc phòng Pháp) ngay từ lúc bộ đội, xe tải, hàng tiếp tế qua căn cứ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, phía Pháp đều biết. Tuy nhiên điều đó không giúp Pháp chiến thắng ở Điện Biên Phủ.

Một quân đội hiện đại chưa đủ để đánh bại một dân tộc

Trong tư liệu về phiên điều trần của tướng René Cogny, một trong những lý do quân Pháp thất bại là bộ đội Việt Minh khôi phục lại các tuyến đường bị phá hủy trong thời gian quá nhanh.

"Việt Minh có các xe tải có thể đưa hàng tiếp tế lên cao rất nhanh. Riêng gạo được vận chuyển từ Thanh Hóa ra, họ cũng có những chiếc cầu được giấu chìm trong nước, được ngụy trang hoàn hảo", tướng Cogny nói.

Nhật ký của một bộ binh Maroc ghi lại rằng anh ta sợ pháo Việt Minh và những lần bộ đội Việt Minh đào hào. Đó là báo hiệu cho một trận đánh lớn.

Sự hỗ trợ mà Pháp mong nhận được từ Mỹ cũng không diễn ra. Cuộc gặp giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp và người đồng cấp phía Mỹ không đạt được thỏa thuận.

Tư liệu về phiên điều trần của tướng René Cogny, cuộc hội thoại giữa Cogny và De Castries

Một tướng lĩnh cấp cao Pháp đúc kết các lý do chính khiến Pháp thua đau ở Điện Biên Phủ là: Bộ chỉ huy quân đội Pháp thiếu hiểu biết, cơ sở hạ tầng ở Đông Dương không đáp ứng nhu cầu tiếp viện, quân thả dù đến đâu đều bị Việt Minh tiêu diệt đến đó. Cuối cùng vị tướng này cho rằng Chính phủ Pháp phải chịu trách nhiệm cho thất bại, vì đã có "chính sách chiến tranh tồi tệ".

Mâu thuẫn giữa hai tướng Navarre và Cogny cũng được đề cập. Trách nhiệm của các bên được Ủy ban điều tra Bộ Quốc phòng Pháp kết luận.

Các tài liệu giải mật của Ủy ban này được công bố năm 2005. Kết luận nêu rõ tướng De Castries vi phạm nguyên tắc sơ đẳng về chiến thuật, tướng Navarre bị chỉ trích vì tổ chức các cuộc hành binh làm phân tán lực lượng.

Những hình ảnh trong Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp.

Nhưng bản chất thất bại của Pháp không chỉ nằm ở những vấn đề về quân sự. Những lý do khác được tướng Navarre đúc kết trong cuốn hồi ký.

Ông viết: "Việt Minh có một lòng tin, sự quyết tâm ghê gớm, sự năng động mạnh mẽ và một sự thống nhất hành động hoàn toàn giữa chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch... Chúng ta luôn đánh giá thấp Việt Minh, cả về chính trị lẫn quân sự. Uy tín ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng động, trình độ quân sự của các cấp chỉ huy, tất cả họ đều luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ”.

Sức hấp dẫn của bộ phim nằm ở những cuộc gặp đặc biệt và kho tư liệu quý.

Navarre nói cuộc chiến ở phía Việt Nam được tiến hành toàn diện, còn ở Pháp, đó là sự "nửa vời". Quân đội Pháp cồng kềnh, thích nghi kém và đã nhận thất bại.

Một trong những bài học ở Điện Biên Phủ là: Một quân đội hiện đại chưa đủ để đánh bại một dân tộc.

Nhà sử học Alain Ruscio.

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp được triển khai trong vòng 4 tháng, từ cuối tháng 12/2023, ghi hình tại Việt Nam và 4 thành phố của Pháp là Paris, Montpellier, Toulon và Marseille.

Ê-kíp đã gặp gỡ và phỏng vấn được các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và chiến thắng Điện Biên Phủ, các cựu chiến binh Pháp trực tiếp chiến đấu tại Điện Biên Phủ và tại Đông Dương.

Năm 1999 hơn 300 cựu tù binh Pháp quay trở lại Điện Biên Phủ. Nhiều người đã khóc khi đến đồi A1, mang những nắm đất ở đây về nước Pháp. Tình yêu hòa bình, tình hữu nghị luôn hiện hữu và vượt lên những hận thù.

Ê-kíp làm chương trình chia sẻ trong thời gian ngắn, việc nghiên cứu, tổ chức sản xuất, ghi hình và công tác hậu kỳ rất vất vả. Một số thông tin mới, đánh giá của các chuyên gia mất nhiều thời gian đánh giá, kiểm chứng.

Lượng tài liệu nghiên cứu lớn dẫn tới khâu lọc và lựa chọn thông tin khó khăn. Nhiệm vụ của những người làm chương trình là chuyển tải những vấn đề chuyên sâu, khó tiếp cận thành những thông tin đơn giản và dễ hiểu, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác về lịch sử.

(Nguồn: tienphong.vn) Link: https://tienphong.vn/giai-mat-tai-lieu-o-bo-quoc-phong-phap-tuong-navarre-cogny-noi-ve-that-bai-cua-phap-o-dien-bien-phu-post1635287.tpo

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giai-mat-tai-lieu-cua-phap-tuong-navarre-cogny-noi-ve-that-bai-o-dien-bien-phu-ar869699.html