Giải đáp thắc mắc cho người lao động về cách tính tiền lương mới

Tiền lương mới khi thực hiện cải cách được tính như thế nào, có còn phụ cấp không, có tính thâm niêm không, lương tối thiểu vùng tăng bao nhiêu... là vấn đề đang được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đặc biệt quan tâm trước thời điểm thực hiện cải cách tổng thể tiền lương (1/7/2024).

Tại nhiều cuộc đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, vấn đề liên quan đến tiền lương được người lao động đặt nhiều câu hỏi. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương - Công đoàn Trường Mầm non Trung Văn, quận Nam Từ Liêm thắc mắc không rõ từ ngày 1/7/2024, mức tăng lương tối thiểu vùng theo dự kiến thấp nhất là bao nhiêu?

Về vấn đề trên, theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp với đại diện của ba bên là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và thống nhất kiến nghị với Chỉnh phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2024. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng, ví dụ tiền lương tối thiểu vùng 1 đang từ 4.680.000 sẽ lên 4.960.000 đồng.

Công nhân trực tiếp lao động tại nhà máy. (Ảnh minh họa: Mai Quý)

Công nhân trực tiếp lao động tại nhà máy. (Ảnh minh họa: Mai Quý)

Nhiều đoàn viên công đoàn quận Hoàn Kiếm cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền lương mới. Có thể kể đến như chị Lê Thanh Huyền, Công đoàn Trường Tiểu học Chương Dương (quận Hoàn Kiếm). Chị Huyền không rõ khi cải cách tiền lương, người lao động đạt các thành tích như danh hiệu chiến sĩ thi đua thì có được nâng lương trước thời hạn như hiện nay nữa không? Anh Nguyễn Trần Quang, Công đoàn Cung thiếu nhi Hà Nội lại băn khoăn khi thực hiện cải cách tiền lương thì việc tăng lương sẽ được thực hiện như thế nào, có tính tăng lương thưởng thường xuyên và tăng trước thời hạn khi có thành tích nữa không?

Tương tự, chị Phạm Thanh Thủy, Công đoàn Trường Mầm non Bình Minh mong muốn tìm hiểu theo chính sách tiền lương mới thì giáo viên mầm non có thâm niên lâu năm và ít năm sẽ được tính lương như thế nào, có gì khác nhau hay không?

Giải đáp những thắc mắc trên của đoàn viên, người lao động, bà Vũ Minh Huyền, Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, từ ngày 1/7 tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương thì việc người lao động được tăng lương trước thời hạn do có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác không còn được đề cập. Người có thành tích nổi bật trong công tác sẽ được khen thưởng bằng cách chi vào lương. Khi thực hiện chế độ tiền lương mới, sẽ có lương phải trả và các phụ cấp kèm theo, cộng với khoản tiền thưởng. Thực tế thì việc “nâng lương trước thời hạn” bản chất chính là khoản tiền thưởng này.

Với người giữ chức vụ lãnh đạo thì sẽ tăng lương theo nhiệm kỳ bổ nhiệm. Đối với người không giữ vị trí lãnh đạo thì việc tăng lương sẽ khác nhau giữa các vị trí làm việc. Nhìn chung, những người cùng thâm niên sẽ có mức lương như nhau, người có thâm niên làm việc lâu năm hơn, có hệ số lương cao hơn thì sẽ có mức lương cao hơn. Về nguyên tắc, tiền lương khi cải cách sẽ không giảm đi, hoặc thấp hơn thang, bảng lương hiện hưởng.

Theo chủ trương cải cách tổng thể tiền lương, từ ngày 1/7/2024, sẽ có 5 bảng lương mới tương ứng với vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:

- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo. Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất.

- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề...

- 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

- 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.

- 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12. Như vậy, mức lương trung bình của công chức, viên chức có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68; mức lương cao nhất cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-lao-dong-ve-cach-tinh-tien-luong-moi-170412.html