Giải bài toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các cụm công nghiệp ở Hà Nội

Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tiếp tục rà soát, bổ sung các cụm công nghiệp mới, loại bỏ các cụm công nghiệp không còn phù hợp phát triển, cải tạo, hoàn thiện những cụm công nghiệp đang hoạt động.

Là huyện có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, những năm qua, Thanh Oai luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế từ làng nghề. Đặc biệt, với định hướng phát triển thành một huyện sinh thái, hành lang xanh của Hà Nội, Thanh Oai xác định phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường, trong đó việc quy hoạch, phát triển các cụm, khu công nghiệp đang là giải pháp hàng đầu của huyện.

Phát triển cụm công nghiệp xanh từ kinh nghiệm của Thanh Oai

Trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động: Cụm công nghiệp Thanh Oai, Bích Hòa, Bình Minh và cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy, góp phần thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, tạo công ăn việc làm, sử dụng nguồn lao động tại địa phương, gắn kết phát triển hài hòa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn huyện.

Cụm công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội).

Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho hay, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư cùng các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã, thị trấn tập trung hướng dẫn, hoặc đề nghị các sở ngành, UBND thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp để sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.

Để tạo thành “chuỗi” đồng bộ trong việc phát triển làng nghề, phát huy hiệu quả tối đa các cụm, khu công nghiệp, huyện Thanh Oai cho biết sẽ quan tâm tới không gian tại các khu, cụm công nghiệp để phát triển hành lang xanh, bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các khu, cụm công nghiệp, từ đó có thể thúc đẩy du lịch làng nghề, quảng bá và xúc tiến cho các sản phẩm làng nghề.

Với việc hình thành đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, các cụm, khu công nghiệp của Thanh Oai được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho huyện phát triển kinh tế.

Theo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Trong đó, có 25/70 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu; 45/70 cụm công nghiệp còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng theo quy định, thậm chí còn nhiều cụm công nghiệp (hình thành từ trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp) cơ bản chưa được đầu tư hạ tầng.

Các cụm công nghiệp này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư; kinh phí hoạt động được bố trí từ ngân sách huyện nên rất hạn chế trong đầu tư xây dựng, bổ sung công trình còn thiếu hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các cụm công nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Tuy kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ chưa được nhiều nhưng bước đầu đã góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng cụm công nghiệp thiết yếu, nhanh chóng thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, cũng như phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhiều cụm công nghiệp còn thiếu các hạng mục hạ tầng

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội thời gian qua bước đầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh các cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ và quản lý chặt chẽ (12/25 cụm công nghiệp), còn có những cụm công nghiệp có hệ thống cơ sở hạ tầng sơ khai, công tác quản lý chưa tốt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và an toàn phòng, chống cháy nổ,...

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phùng Xá.

Cục Công nghiệp địa phương cũng cho biết, đa số các cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố, chủ yếu mang đặc thù là cụm công nghiệp làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như loại hình cụm công nghiệp tập trung.

Hiện, 45 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng còn thiếu các hạng mục hạ tầng cơ bản như: chưa có trạm xử lý nước thải; thiếu hệ thống điện chiếu sáng, nhà điều hành, vỉa hè, cây xanh, hệ thống giao thông nội bộ nhỏ hẹp,… Cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp.

Một số cụm công nghiệp hạ tầng đã xuống cấp, công nghệ xử lý môi trường lạc hậu cần được cải tạo, sửa chữa nhưng thiếu vốn thực hiện, khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp đóng góp để đầu tư.

Nhiều cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống thu gom, bãi tập kết, phân loại, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa hoàn thiện đồng bộ, hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải không tách riêng; chủ các cơ sở hoạt động trong các cụm công nghiệp trực tiếp ký hợp đồng, bàn giao chất thải cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp trên địa bàn TP trước đây phần lớn được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, chủ yếu được xây dựng trước khi có Luật Phòng cháy chữa cháy nên việc thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng từ ban đầu (như trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn) còn hạn chế hoặc nếu có thì không đầy đủ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật

“Những yếu tố khó khăn, tồn tại nêu trên tại các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn”, Cục Công nghiệp địa phương đánh giá.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về phương án sơ bộ phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố đề xuất dự kiến có 191 cụm công nghiệp, tổng diện tích 7.149 ha.

Để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo kế hoạch, định hướng, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh. Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các cụm công nghiệp mới, loại bỏ các cụm công nghiệp không còn phù hợp phát triển, cải tạo, hoàn thiện những cụm công nghiệp đang hoạt động.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát, ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án…

Có thể thấy, việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/giai-bai-toan-xay-dung-ha-tang-ky-thuat-trong-cac-cum-cong-nghiep-o-ha-noi-1095354.html