Giải bài toán về thu gom xử lý rác thải sinh hoạt

Để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt hơn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng; thường xuyên phân loại rác thải đảm bảo theo đúng hướng dẫn...

 TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TL)

TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TL)

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn: Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

“Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng, sẽ rất khó đưa chính sách vào cuộc sống. Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn”, TS Ngọc cho biết thêm.

Tại Diễn đàn, đại diện của hơn 20 Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và 30 đơn vị, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay; khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí bố trí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp để việc phân loại rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.

Chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục tăng trên phạm vi cả nước

Theo ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.623 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 28.394 tấn/ngày. Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.

Về công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, theo thống kê, trong năm 2023, tổng lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69% (số liệu của 61 tỉnh/thành phố).

Về hiện trạng xử lý CTRSH, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý CTRSH. Trong đó, cơ sở đốt CTRSH là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); cơ sở xử lý CTRSH thành mùn/phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%); cơ sở chôn lấp CTRSH 1.178 cơ sở (chiếm 76,10%), trong đó, nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Nói về thách thức trong quản lý CTRSH, ông Lam cho biết, thứ nhất, trong phân loại chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Thứ hai, trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc; các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Thứ ba, trong xử lý, công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ODA; nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn (ít các dự án đầu tư theo PPP, tư nhân được triển khai); 75% cơ sở xử lý CTRSH được nhà nước hỗ trợ vận hành.

 Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: TL)

Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: TL)

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hiện nay, hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch Phân loại rác tại nguồn. Các địa phương đang đợi hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào? Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo QD 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).

TS. Hoàng Dương Tùng đặt câu hỏi: Còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định, liệu thời hạn này các địa phương có đáp ứng được không?.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Đào Thu Huyền, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hải Phòng, cho biết: Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1.860 tấn/ngày, trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 1.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 860 tấn/ngày.

Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng tại thành phố Hải Phòng với niềm tin phân loại rác tại nguồn là tốt, ThS. Đào Thu Huyền cho rằng chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công, nếu chúng ta kiên trì.

ThS. Đào Thu Huyền cũng cho biết, theo lộ trình UBND thành phố đề ra, phấn đấu đến ngày 31/10/2024, cơ bản 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện toàn thành phố hoàn thành và tiếp tục duy trì công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Theo các chuyên gia, để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt hơn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng; thường xuyên phân loại rác thải đảm bảo theo đúng hướng dẫn; các ngành, đoàn thể, các thôn cần tích cực thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/giai-bai-toan-ve-thu-gom-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-665263.html