Gia Viễn: Nhiều giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID - 19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina nên hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Gia Viễn nói riêng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến một bộ phận lao động bị mất việc làm, thu nhập. Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đã tích cực vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Các công ty trên địa bàn huyện Gia viễn nỗ lực hoạt động, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Các công ty trên địa bàn huyện Gia viễn nỗ lực hoạt động, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện có 1 khu công nghiệp (Gián Khẩu) và 3 cụm công nghiệp (Gia Vân, Gia Phú, Gia Lập) với 56 doanh nghiệp đang hoạt động; có 1.880 cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài các khu, cụm công nghiệp, hoạt động về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Từ năm 2021 đến nay, một số sản phẩm chủ lực trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn bị thiếu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm như: Sản phẩm ô tô nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng bị đứt gãy dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện, đặc biệt là thiếu chất bán dẫn, chíp điện tử nên sản lượng sản xuất, lắp ráp ô tô giảm đáng kể so với chỉ tiêu kế hoạch; sản phẩm may mặc, giầy dép thiếu đơn đặt hàng,…

Để đồng hành, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Viễn luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Ngô Hùng Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; định kỳ vào thứ 6 tuần cuối cùng hàng tháng, lãnh đạo UBND huyện trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để theo dõi, nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp.

Huyện cũng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ để xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành với doanh nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành trong huyện nêu cao tinh thần sẵn sàng chia sẻ, giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp với phương châm "rõ vai, rõ người, không chung chung, rõ việc cụ thể, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả" từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề còn vướng mắc, tạo niềm tin cho doanh nghiệp với chính quyền, xây dựng môi trường thuận lợi, ổn định để Gia Viễn tiếp tục trở thành mảnh đất có nhiều thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

UBND huyện cũng chỉ đạo Hội Doanh nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ Văn phòng HĐND & UBND huyện, các cơ quan chuyên môn là cầu nối, tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn…

Nhờ vậy đã tạo được sự đồng thuận, nỗ lực quyết tâm, vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, giúp huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng trưởng khá qua các năm. Cụ thể: Năm 2020 đạt 36.459,16 tỷ đồng; năm 2021 đạt 41.402,12 tỷ đồng; năm 2022 đạt 42.511,3 tỷ đồng.

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho người lao động

Xác định đảm bảo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Bên cạnh việc đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, ngay từ đầu năm 2020, khi doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, Huyện ủy, UBND huyện Gia Viễn đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt các chính sách đối với lao động trên địa bàn để giữ việc làm cũng như duy trì thu nhập ổn định đời sống cho người lao động. Tổ chức thăm hỏi động viên doanh nghiệp, người lao động trong những dịp lễ, tết và giai đoạn khó khăn trong dịch bệnh.

Trong đó, đã hỗ trợ lao động trong giai đoạn mất việc làm do dịch bệnh với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho công nhân trên 200 triệu đồng; đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu lao động giữa các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với lao động chưa có việc làm trên địa bàn huyện.

Với vai trò đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, Công đoàn các cấp trên địa bàn huyện Gia Viễn đã thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm của người lao động, quan hệ lao động và việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.

Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tại Công ty TNHH Goryo Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân).

Đồng chí Hoàng Thị Liễu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Viễn cho biết: Đơn vị đã tập trung tổng hợp những kiến nghị, mong muốn hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và đề xuất với cấp ủy, chính quyền thông qua hội nghị đối thoại của Thường trực Tỉnh ủy, tiếp xúc cử tri… để có những điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, tham mưu với Thường trực Huyện ủy chỉ đạo cơ quan chức năng, phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn, giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.

Chủ động tiếp cận, hướng dẫn bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp xây dựng và đăng ký nội quy lao động; vận động thành lập tổ chức Công đoàn, thương lượng ký mới và ký lại thỏa ước lao động tập thể với tỷ lệ tăng dần năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2022, 100% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã ký được thỏa ước lao động tập thể.

Đồng thời, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu các giải pháp giải quyết có hiệu quả các cuộc ngừng việc tập thể, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Từ năm 2020 đến nay, LĐLĐ huyện đã tổ chức 132 buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp; tư vấn pháp luật và giải quyết 468 lượt kiến nghị của công nhân lao động. Chủ trì và phối hợp tham gia 38 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, công tác cải cách hành chính, thi đua khen thưởng, an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca… Thường xuyên khảo sát, nắm chắc nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở từng thời điểm và chủ động kết nối giới thiệu việc làm cho 1.283 lao động.

Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện có 19.100 lao động được đảm bảo duy trì việc làm với thu nhập trung bình từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội đạt trên 11.000 lao động.

Bước vào thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, dự báo giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng trưởng thấp. Có nhiều yếu tố rủi ro như thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thu hẹp, tính cạnh tranh trong nước cao, thiếu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; khó khăn về vốn, tỷ lệ tồn kho cao, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động cục bộ ở một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hay việc một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động cũng đang là vấn đề cần tháo gỡ.

Để duy trì hoạt động sản xuất, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang phải rất nỗ lực, tập trung tăng cường đàm phán, thương lượng với đối tác khách hàng và mở rộng thị trường để tìm kiếm đơn hàng. Đồng thời, rà soát điều chỉnh lại cơ cấu các sản phẩm để sản xuất các mặt hàng theo nhu cầu thị trường. Tăng cường áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết giảm tối đa các chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên trị trường. Tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ, khắc phục khó khăn cùng doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Khẳng định vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp và người lao động, thời gian tới huyện Gia Viễn tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra các chủ trương, biện pháp khắc phục khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong phát triển kinh tế tư nhân; bảo đảm việc làm cũng như các chế độ chính sách cho người lao động.

Duy trì và nâng cao chất lượng đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã và công nhân lao động trên địa bàn. Tập trung kiểm tra thực tế, giải quyết ngay kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo những vấn đề ngoài thẩm quyền để sớm có giải pháp giải quyết.

Đồng thời, thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo thu nhập cao, sử dụng lao động tại chỗ; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho nhân dân, rà soát, nâng cao chất lượng các làng nghề hiệu quả.

Tiếp tục giải quyết các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án để bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ. Huyện Gia Viễn cam kết tạo các điều kiện tốt nhất giúp các doanh nghiệp phát triển cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Bài, ảnh: Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-nhieu-giai-phap-de-dam-bao-viec-lam-thu-nhap-cho/d2023102421522056.htm