Giá vé máy bay tăng cao, tại sao kiểm tra không phát hiện vi phạm?

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết không chỉ kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, Cục còn so sánh, đối chiếu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới

Giá vé còn xa mới chạm trần

Thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân và ngành du lịch, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ Lễ 30-4, 1-5 vừa qua.

Cục Hàng không Việt Nam đã lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines song không phát hiện vi phạm.

Trả lời Báo Người Lao Động, ông Bùi Minh Đăng, Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết trong quá trình kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay trên các đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam không phát hiện việc bán vé máy bay vượt giá trần theo quy định.

"Qua kiểm tra cho thấy, mức tăng giá vé bình quân của các hãng hàng không Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng từ 14-20% tùy chặng bay so cùng kỳ 2023 nhưng giá vé đều nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa do Bộ Giao thông Vận tải quy định"- ông Đăng khẳng định.

Theo đại diện Cục Hàng không, về lý thuyết, các hãng hàng không có thể bán toàn bộ vé trên các đường bay nội địa với mức giá cao nhất theo khung giá. Với tính chất mùa vụ rõ nét của thị trường hàng không nội địa, các hãng hàng không sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường, thời gian khai thác, đường bay cụ thể và có tính toán đến yếu tố cạnh tranh với nhau để đưa ra các mức giá vé từ thấp đến cao với các tỉ lệ khác nhau.

"Kết quả kiểm tra cũng cho thấy giá vé trung bình của các hãng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức giá tối đa trên các đường bay nội địa (cao nhất là chặng Hà Nội - TP HCM ở mức 77,6% so với mức giá tối đa theo quy định); trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng, phần lớn vẫn là vé ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% lượng vé bán ra)"- ông Đăng khẳng định.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

So sánh giá vé máy bay nội địa Việt Nam với khu vực, Trưởng phòng Vận tải hàng không cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra, so sánh, đối chiếu giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là Vietnam Airlines (hãng hàng không kinh doanh dịch vụ đầy đủ - Full Service) với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhìn chung, giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á, và thấp hơn đáng kể so với các hãng Châu Âu và Bắc Mỹ". Nguồn: So sánh giá vé hãng hàng không nội địa/ quốc tế vn- các hãng hàng không khác (Ngày bay 8-5-2024 tại thời điểm tra cứu ngày 1-4-2024) tra cứu tại website của các hãng ThaiAirways.com; www.garuda-indonesia.com; csair.com; www.ana.co.jp;www.airfrance.vn;www.delta.com

Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát liên tục

Việc giá vé máy bay tăng trong giai đoạn các tháng đầu năm 2024 cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới với các nguyên nhân chính gồm: Giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỉ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội máy bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các máy bay mới và chi phí bảo dưỡng máy bay dừng khai thác tăng; giá thuê máy bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.

"Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc trong các năm 2022, 2023, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường hàng không quốc tế chưa hồi phục nên các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh việc ung ứng trên các đường bay nội địa, cung cấp nhiều vé giá rẻ với các chương trình khuyến mãi để kích cầu và có dòng tiền để duy trì hoạt động khai thác của đội máy bay, do vậy hành khách mua được nhiều vé máy bay với các mức giá rẻ.

Hiện tại, thị trường quốc tế đã hồi phục ở mức tương đương năm 2019, trong bối cảnh thiếu hụt máy bay như đã nêu trên, các hãng hàng không cũng dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận các hãng hàng không Việt Nam cũng đưa nhiều mức giá rẻ trên các đường bay nội địa, trong đó có cả các mức giá vé 0 đồng"- ông Đăng cho biết.

"Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát liên tục việc bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay trên các đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam để đảm bảo việc bán vé máy bay được thực hiện theo đúng quy định pháp luật"- ông Đăng khẳng định.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-ve-may-bay-tang-cao-tai-sao-kiem-tra-khong-phat-hien-vi-pham-196240514170518584.htm