Giá vàng vẫn ở mức đỉnh dù đã đấu thầu, chuyên gia nói gì?

Đấu thầu vàng miếng SJC từng được hy vọng 'giảm nhiệt' giá vàng tuy nhiên, giá vàng vẫn bền bỉ duy trì ngưỡng cao đỉnh tại 84 triệu đồng.

Giá vàng vẫn ở ngưỡng cao đỉnh dù đã đấu thầu, chuyên gia nói gì?. Ảnh minh họa

Đầu thầu vàng là giải pháp ngắn hạn, cần có thêm tác động tới thị trường

Với kỳ vọng tăng nguồn cung cho thị trường vàng, góp phần hạ nhiệt, ổn định giá vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng sau 11 năm dừng lại vào ngày 23/4 vừa qua.

Trước đó, phiên đầu thấu đầu tiên dự kiến tổ chức ngày 22/4, đã phải hủy và rời sang ngày 23/4 khi không đủ đơn vị tham gia. Tới hôm nay (25/4), NHNN tiếp tục hủy phiên đấu thầu thứ 2, do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Thế nhưng, đến nay, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 3.400 lượng vàng, khoảng 20% so với lượng chào thầu (16.800 lượng). Đây được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vàng tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, ngược lại với dự báo, giá vàng vẫn giữ vững quanh ngưỡng đỉnh 84 triệu đồng/lượng.

Giá vàng vẫn duy trì ngưỡng cao kỷ lục (Ảnh: Minh Anh)

Trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, mức giá chào bán phiên đấu thầu còn quá cao, tới 80,7 triệu đồng/lượng, không chênh lệch quá nhiều so với mức giá ngoài thị trường là 82 – 84 triệu đồng, và vẫn cao hơn giá vàng thế giới. Do vậy, mức giá không hấp dẫn được nhu cầu các đơn vị dự thầu.

Đây cũng chính là ý kiến của nhiều chuyên gia, mục tiêu là để hạ nhiệt giá vàng, nhưng hiện tại, NHNN đang tăng cung nhưng giá chưa giảm, do vậy, cần cân nhắc hạ mức giá đấu thầu vàng gần với giá vàng thế giới.

Song, ông Huân đưa ra lưu ý, trường hợp hạ giá vàng xuống hẳn mức thấp, chắc chắn việc đầu thầu sẽ diễn ra suôn sẻ, nhiều đơn vị trúng thầu với số lượng lớn. Đồng thời, nếu nhu cầu về vàng của người dân vẫn cao, tình trạng vàng trở nên khan hiếm là điều không thể tránh khỏi, từ đó giá sẽ lại tăng.

Vì vậy, giải pháp đấu thầu hiện tại mang tính ngắn hạn, cần có nhiều giải pháp khác nữa mới có thể tác động vào thị trường vàng.

"Về lâu dài, cần cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường" PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Ông đánh giá, ổn định thị trường đang là một bài toán hóc búa cho NHNN, bởi tỷ giá đang cao, nhập khẩu vàng lúc này là không phù hợp. Đồng thời, nhiều vấn đề khác NHNN đang cần phải ưu tiên: hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển nền kinh tế.

Vàng dù giá trị nhưng không phải là mặt hàng thiết yếu. Do vậy, thời điểm này, chúng ta nên kiên nhẫn chờ tín hiệu, kết quả qua các lần đấu thầu và sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên, lúc đó mới tính đến ổn định thị trường vàng.

Giá vàng vẫn neo ở ngưỡng cao

Ghi nhận vào chiều nay (25/4), giá vàng SJC vẫn đang được giao dịch tại ngưỡng cao.

Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có mức giá 81,7 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mức chênh giữa hai chiều mua – bán tăng lên 2,3 triệu đồng.

Bảo tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC tại 82,1 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Còn với vàng nhẫn, mức giá đã giảm đáng kể so với tuần trước, về ngưỡng 73,52 – 75,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) tại Bảo tín Minh Châu.

Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thì niêm yết vàng nhẫn tại 73,1 – 74,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại

Nguồn: Kitco

Tại thị trường thế giới, giá vàng đao giao quanh ngưỡng 2.320 USD/ounce, giảm khoảng 5 USD so với thời điểm này phiên hôm qua.

Giá vàng thế giới dù đang trong xu hướng giảm nhưng nhiều chuyên gia và giới đầu tư vẫn kỳ vọng, thị trường sẽ nhanh chóng tăng trở lại khi giữ vững mức giá tại ngưỡng 2.300 USD/ounce.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-vang-van-o-nguong-cao-dinh-du-da-dau-thau-chuyen-gia-noi-gi-20240425145637046.htm