Giá vàng hôm nay 25/4/2024: Giá vàng SJC tăng cả triệu vì thông báo của NHNN, thế giới 'lình xình' chờ xúc tác mới

Giá vàng hôm nay 25/4/2024 ghi nhận thị trường thế giới mong chờ thông tin kinh tế Mỹ, trong khi đó, SJC tăng vọt sau một thông báo từ Ngân hàng Nhà nước. Chuyên gia dự báo, giá vàng sẽ dao động trong khoảng 2.300 USD đến 2.350 USD/ounce trừ khi có 'chất xúc tác' mới.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 25/4TỶ GIÁ HÔM NAY 25/4

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 25/4/2024

Giá vàng trong nước ghi nhận vàng miếng SJC tăng cả triệu đồng/lượng trong chiều 24/4 với phiên giao dịch buổi sáng.

Cụ thể, ghi nhận cuối phiên ngày 24/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng SJC 82 - 84 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng ở chiều bán ra. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 82,35 - 84,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng quanh mốc 74 - 75 triệu đồng/lượng tùy từng thương hiệu.

So với mức kỷ lục thiết lập hôm 12/4, mỗi lượng vàng miếng SJC hiện thấp hơn khoảng 1 triệu đồng, tương đương hơn 1%. Nhẫn trơn thấp hơn khoảng 2 triệu đồng so với đỉnh.

Trưa 24/4, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào ngày 25/4, song chưa thông báo giá cọc.

Số lượng vàng đấu thầu lần này bằng với phiên đấu thầu ngày 23/4. Các thông tin không có thay đổi so với phiên hôm qua. Khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400-2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc là 10% tương tự phiên đấu thầu trước.

Nhà điều hành chưa thông báo mức giá tham chiếu. Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra phiên đấu giá trước để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng. Tuy nhiên, giá sàn dự thầu được công bố là 81,3 triệu, tăng 500.000 đồng so với tham chiếu vào ngày đấu thầu.

Giá vàng thế giới biến động trong phạm vi hẹp trong phiên chiều 24/4 trong khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ để biết rõ hơn về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Ghi nhận của TG&VN lúc 19h ngày 24/4, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco News ở mức 2.315 - 2.316 USD/ounce, giảm 6,5 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index dự đoán, giá vàng sẽ dao động trong khoảng 2.300 USD đến 2.350 USD/ounce trừ khi có “chất xúc tác” mới.

Tuần này, nhà đầu tư sẽ tập trung vào số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ công bố vào thứ Năm (25/4) và báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào thứ Sáu (26/4).

Giá vàng hôm nay 10/3. (Nguồn: Getty)

Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 24/4:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 82,50 - 84,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 80,00 - 82,50 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 79,80 - 82,30 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn VBĐQ Phú Quý niêm yết tại: 81,50 - 84,30 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 82,35 - 84,25 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia lạc quan về giá vàng

Nhà kinh tế kỳ cựu David Rosenberg, Chủ tịch hãng nghiên cứu Rosenberg Research đã đưa ra lý do tại sao ông dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục, lên khoảng 3.000 USD/ounce, tương đương với mức tăng tiềm năng 29% so với mức hiện tại.

Ông Rosenberg cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đang có xu hướng mua vàng mạnh mẽ. PBoC đã mua dự trữ vàng trong 17 tháng liên tiếp, và họ có thể còn mua nhiều vàng hơn khi đặt mục tiêu nâng lượng dự trữ vàng lên mức ngang bằng với các ngân hàng trung ương khác.

Ông Rosenberg nói: "Trung Quốc đang dần chuyển đổi việc dự trữ ngoại tệ từ USD sang vàng, điều đó đồng nghĩa với việc kết thúc vai trò của đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ tiềm năng thứ hai và khiến các ngân hàng trung ương khác quay trở lại với vàng".

Chỉ riêng trong năm qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua khoảng 181 tấn vàng và hiện là nước nắm giữ dự trữ vàng lớn thứ sáu thế giới, nâng tỷ trọng dự trữ vàng của nước này lên 4,3% vào tháng 3/2024.

Nhưng tỷ trọng dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ so với các ngân hàng trung ương khác, với mức trung bình toàn cầu là 13%. Điều đó cho thấy, nước này còn nhiều dư địa để tiếp tục tích lũy vàng vào dự trữ ngoại hối.

Ông Rosenberg nhận định: "Mỹ nắm giữ 70% dự trữ ngoại hối bằng vàng. Vì vậy, PBoC còn rất nhiều dư địa để tăng mua vàng trong vài năm tới để đạt được mức dự trữ vàng chuẩn toàn cầu".

Nếu Trung Quốc chỉ cần tăng thêm 1% tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối, thì điều đó sẽ tương đương với 420 tấn vàng, chiếm tới 11% sản lượng vàng mới trên thế giới.

Ngoài việc PBoC tiếp tục mua vào, ông Rosenberg cho biết, các yếu tố khác có thể giúp đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce bao gồm nhu cầu tăng từ các nhà đầu tư thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bằng vàng do căng thẳng địa chính trị vẫn gia tăng và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo ông Rosenberg, nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, điều đó sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với vàng. Mặc dù Fed không còn được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất bảy lần trong năm nay do nền kinh tế phục hồi, nhưng họ vẫn được dự đoán sẽ bắt đầu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào cuối năm.

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-vang-hom-nay-2542024-gia-vang-sjc-tang-ca-trieu-vi-thong-bao-cua-nhnn-the-gioi-linh-xinh-cho-xuc-tac-moi-268967.html