Giá SJC lại đắt thêm 1 triệu đồng/lượng, nhu cầu vàng cao nhất 10 năm

Sau khi tăng mạnh sáng 7/5, tới cuối giờ chiều cùng ngày, giá vàng SJC lại lập đỉnh mốc mới là 87,5 triệu đồng/lượng, tăng cao nhất từ trước đến nay. So với cuối ngày 6/5, giá vàng miếng SJC cao hơn từ 900.000 - 1.050.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương, việc quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên khoảng 500 - 700 lượng sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia phiên đấu thầu vàng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nguyên nhân do nguồn cung trên thị trường vẫn hạn chế trong bối cảnh một số phiên đấu thầu vàng gần đây của Ngân hàng Nhà nước chưa thành công.

Tính đến cuối phiên chiều 7/5, giá vàng SJC tại Bảo Tín - Minh Châu là 85,50 - 87,40 triệu đồng/lượng, tăng 750.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng 7/5.

Tại cửa hàng SJC và Doji, giá vàng bán ra cuối phiên chiều 7/5 đều tăng 70.000 đồng/lượng so với đầu phiên sáng 7/5 với giá bán ra lần lượt ở mức 87,50 triệu đồng/lượng và 86,80 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh mặc dù giá kim loại quý thế giới thay đổi không đáng kể, giao dịch ở mức 2.322 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 16 triệu đồng/lượng.

Trong khi giá vàng SJC tăng “vũ bão”, biến động của giá vàng nhẫn lại ít hơn nhưng vẫn duy trì cao. Cuối phiên chiều 7/5, giá nhẫn vàng VietNam Gold giao dịch 73,30 - 74,80 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng với đầu giờ phiên sáng 7/5; nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long mua vào và bán ra là 73,97 – 75,47 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra đầu giờ sáng 7/5 là 75,58 triệu đồng/lượng.

Trong ngày 7/5, giá vàng nhẫn tăng nhẹ từ 50.000 - 250.000 đồng/lượng (chiều mua) và 100.000 - 150.000 đồng/lượng (chiều bán), giao dịch 73,50 - 74,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 75,20 - 75,60 triệu đồng/lượng (bán ra).

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết: Trong thời gian dài, giá vàng SJC biến động mạnh, xu hướng người dân chuyển qua mua vàng nhẫn lại tăng mạnh, dẫn tới thị trường lại khan hiếm. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức trong nhiều ngày qua, một số người dân vẫn không thể mua được vàng nhấn, dủ chỉ là 1 chỉ. Có những người dân nộp tiền phải đợi vài ngày hoặc có cửa hàng vàng thông báo "khi nào có vàng sẽ gọi lại cho khách".

"Vàng SJC đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý nhưng mặt hàng vàng nhẫn lại buông lỏng trong khi đây là một dạng tiền tệ... Và, mục tiêu đấu thầu vàng của NHNN nhằm kéo giá vàng trong nước giảm cũng như rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới ở mức nào, phía NHNN cần phải nêu rõ con số cụ thể", TS Vũ Đình Ánh băn khoăn.

Giá vàng tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước

Từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng gần 8 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn từ mốc 65 triệu đồng/lượng lên hơn 75 triệu đồng/lượng.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu: Chỉ số giá vàng trong nước tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023. Giá vàng đã tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.

Nhu cầu vàng tăng mạnh nhất

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất quý I/2024 kể từ năm 2015.

Báo cáo ngày 7/5 của WGC cho hay: Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12% với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I/2024, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao - được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.

“Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung; đồng thời NHNN có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào cuối tháng 4/2024,” nội dung Báo cáo nêu.

Theo WGC, nhu cầu vàng trang sức trên toàn cầu vẫn ổn định bất chấp mức giá cao kỷ lục, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều có mức giảm tương tự nhau trong quý I/2024, giảm 10 - 12% do đợt tăng giá vàng vào cuối quý I/2024 đã làm hạn chế nhu cầu mua trong tháng 3/2024.

“Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý I/2024 ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015. Bất chấp nhu cầu bùng nổ trong tháng 2/2024 vào dịp Tết Nguyên Đán và ngày Thần Tài, nhu cầu vàng trang sức vẫn bị chi phối mạnh do giá vàng tăng cao”, ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại WGC cho biết.

Trong khi đó, theo bà Louise Street - Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại kể từ tháng 3/2024, bất chấp những trở ngại phổ biến là giá đồng USD cao và lãi suất đang cho thấy là càng ngày càng tăng”.

Một số yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt gần đây bao gồm sự gia tăng rủi ro về địa chính trị và sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang diễn ra thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như tài sản lưu trữ an toàn. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng liên tục và ồ ạt từ các ngân hàng trung ương, sự đầu tư mạnh mẽ của thị trường tập trung OTC và lượng vàng mua ròng trên thị trường phái sinh đều góp phần đẩy giá vàng tăng cao.

Diễn biến mới đấu thầu vàng sáng 8/5: Hạ khối lượng tối thiểu, giá đặt cọc vẫn cao

Vào 9 giờ 30 phút sáng 8/5, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 5 với nhiều thay đổi về quy định đặt thầu. Theo đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu để một thành viên được phép đặt thầu đã giảm xuống 7 lô (tương đương 700 lượng), thay vì 14 lô như những lần trước.

Khối lượng đấu thầu tối đa vẫn không thay đổi là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Cùng với đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc đợt đấu thầu này tăng mạnh lên 85,30 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn 2,4 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần thứ 4 và cao hơn 4,6 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần 1. Nếu so với giá thị trường cuối phiên chiều 7/5, giá mua vào SJC tại một số thưng hiệu lớn như SJC và Doji đều là 85,30 triệu đồng/lượng.

Hiện, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến được đấu thầu sáng 8/5 vẫn là 16.800 lượng vàng miếng SJC. Đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10%. Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

Đây là lần thứ 5 NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng. Trước đó, đã 3 lần NHNN phải hủy đấu thầu vì không đủ số lượng đơn vị tham gia.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-sjc-lai-dat-them-1-trieu-dongluong-nhu-cau-vang-cao-nhat-10-nam-20240507183622702.htm