'Già' nhưng vẫn khỏe, MiG-21 vẫn là niềm đam mê của phương Tây

Thông thường, các máy bay chiến đấu có tuổi thọ không cao, nhưng có một trường hợp ngoại lệ là máy bay chiến đấu MiG-21 của Liên Xô.

Máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 là mẫu máy bay nối tiếp trong chuỗi thành công của những máy bay tiêm kích phản lực của Liên Xô, bắt đầu từ máy bay tốc độ cận âm MiG-15, MiG-17 và trên tốc độ âm thanh là MiG-19.

Đây là một máy bay chiến đấu có trọng lượng nhẹ, đạt được đến tốc độ Mach 2 với một động cơ phản lực đốt nhiên liệu phụ có công suất nhỏ, MiG-21 có tính năng tương đương với loại F-104 Starfighter của Mỹ và Dassault Mirage-III của Pháp.

Sự ra đời của máy bay chiến đấu MiG-21 nhằm lấy lại thế cân bằng, đồng thời cung cấp một vũ khí chiếm ưu thế trên không hiệu quả. MiG-21 có thể đạt tốc độ trên Mach 2, được trang bị pháo 23mm bên trong và có khả năng mang 2-6 tên lửa. MiG-21 cũng có thể thực hiện vai trò tấn công mặt đất, tiêm kích này có thể mang theo một số lượng hạn chế bom và tên lửa.

Từ năm 1959 đến năm 1985, Liên Xô đã sản xuất 10.645 chiếc MiG-21. Ấn Độ cũng sản xuất 657, Tiệp Khắc cũng sản xuất 194 chiếc theo giấy phép và chuyển giao công nghệ từ Liên Xô.

Trung Quốc đã dựa trên thiết kế của MiG-21 để tạo ra phiên bản Chengdu J-7. Tổng cộng có khoảng 2.400 máy bay chiến đấu J-7 được sản xuất từ năm 1966 đến năm 2013. Với số lượng khổng lồ như vậy, MiG-21 đã trở thành máy bay chiến đấu siêu thanh được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử thế giới.

Tại chiến trường Việt Nam, với lợi thế về kích thước và khả năng cơ động tốt, tấn công nhanh và rút lui nhanh, các máy bay MiG-21 biến tên lửa không đối không được trang bị trên tiêm kích Mỹ trở nên vô dụng trong không chiến.

Tuy vậy, MiG-21 chưa từng tham chiến trong cuộc chiến giữa khối NATO và khối Warsaw, nhưng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh khắp Trung Đông. Các máy bay chiến đấu-ném bom MiG-21 của lực lượng Phòng vệ Israel đã tàn phá các căn cứ của Ai Cập và Syria trong cuộc không kích mở màn của Chiến tranh 6 ngày.

Số lượng MiG-21 trong biên chế của Liên Xô bắt đầu giảm vào cuối những năm 1980 - 1990 và được thay thế bằng các mẫu hiện đại hơn. Tuy nhiên, nhiều lực lượng không quân vẫn tiếp tục sử dụng MiG-21 do Trung Quốc sản xuất và các biến thể của nó.

Dòng máy bay này đã phục vụ trong lực lượng không quân khoảng 40 nước trên thế giới kể từ năm 1960. Trung Quốc, Nga và Ukraine vẫn tiến hành bảo dưỡng và nâng cấp các máy bay hiện có. Hiện nay, MiG-21 vẫn đang còn trong biên chế lực lượng không quân 18 nước trên thế giới, trong đó có hai thành viên NATO là Romania và Croatia.

Những chiếc MiG-21 đang được sử dụng ngày nay có nhiều điểm khác biệt so với phiên bản 1959. Được trang bị nhiều vũ khí hiện đại và tinh vi hơn, chẳng hạn như tên lửa R-60 AAM, Magic-2 và Python. Nâng cấp thiết bị điện tử cải thiện radar và thông tin liên lạc, khiến MiG-21 vẫn rất đáng sợ khi đối đầu với các máy bay hiện đại.

Hiện tại, Trung Quốc đã ngừng sản xuất J-7. Các máy bay J-7 đã được chuyển giao cho các nhiệm vụ quốc phòng và huấn luyện địa phương. Croatia và Romania cũng sẽ thanh lý các máy bay MiG-21 trong vòng 5 năm tới.

Sau một loạt tai nạn, cuối cùng Ấn Độ cũng đã cho nghỉ hưu những chiếc MiG-21 của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự kết thúc của MiG-21.

Nhiều mẫu máy bay J-7 và MiG-21 vẫn còn được phục vụ trong một thời gian khá dài. Bangladesh đã mua hàng chục chiếc J-7 cuối cùng vào năm 2013 và sẽ tiếp tục sử dụng chiếc máy bay này trong thời gian dài.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/gia-nhung-van-khoe-mig-21-van-la-niem-dam-me-cua-phuong-tay-1657298.html