Giá lập đỉnh, cách nào quản lý thị trường vàng?

Theo các chuyên gia, cần phải xóa độc quyền thương hiệu vàng SJC, và cần sớm hình thành thị trường vàng liên thông với thế giới thông qua sàn giao dịch vàng.

Ngày 7/3, giá vàng 9999 của SJC tăng lên mức 81,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Phá đỉnh cũ thiết lập cuối năm 2023 (80 triệu đồng).

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân do Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó cho "độc quyền" sản xuất vàng miếng SJC nên đã tạo ra "độc giá".

Theo Nghị định 24, Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, và SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Những biến động của thị trường thời gian qua được nhận định rằng Nghị định 24 đã không còn phù hợp. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi nghị định về quản lý thị trường vàng trong quý I/2024 để "phù hợp với tình hình mới".

Hiện Nhà nước đang độc quyền sản xuất vàng miếng, SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Nên cho phép nhập vàng nguyên liệu

Vậy cần sửa đổi thế nào? - ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường, đồng thời cho phép một số doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang vàng được nhập một ít vàng nguyên liệu để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới.

VGTA đã nhiều lần kiến nghị cho phép các doanh nghiệp lớn như: SJC, PNJ, DOJI được nhập vàng nguyên liệu trong vòng 3-6 tháng để chế tác nữ trang vàng cho thị trường nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được nhập.

"Nếu cho nhập vàng nguyên liệu, xóa độc quyền vàng miếng nhãn hiệu SJC, sẽ thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế, thay vì cao hơn hàng chục triệu đồng một lượng như hiện nay", ông Khánh nói.

Tương tự, TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho rằng, cần phải xóa độc quyền thương hiệu vàng SJC, và sớm hình thành thị trường vàng liên thông với thế giới thông qua sàn giao dịch vàng. Khi không còn độc quyền và liên thông với quốc tế, vàng sẽ không bị thổi giá.

Ông Hòe cũng cho hay về nguyên tắc, trên thế giới không có một Ngân hàng trung ương (NHTW) nào quản lý thị trường vàng, bởi vàng là dạng hàng hóa. NHTW chỉ quản lý vàng ngoại hối, vàng trong kho NHNN, vàng dự trữ của quốc gia.

"Với vàng ngoại hối là vàng đóng bánh, xuất nhập khẩu qua biên giới như vậy là chuyển lượng tiền hoặc dòng tiền lớn của quốc gia, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá", ông Hòe nêu lý do NHTW chỉ nên quản lý vàng ngoại hối, còn các loại khác có thể cấp phép bình thường, không cần ai độc quyền.

Vàng là hàng hóa đặc biệt, cho nên, theo ông Hòe, cần có khung khổ quy định cụ thể, như giao dịch sàn vàng thế nào, những ai đủ điều kiện tham gia, quy định giao dịch ra sao…Do đó, cần thí điểm một vài sàn để nghiên cứu, xem xét.

Giao Bộ Công thương quản lý thị trường vàng?

Về lâu dài, theo TS. Phạm Xuân Hòe, khi thị trường vàng ổn định, cần xem giao dịch vàng như giao dịch hàng hóa bình thường và giao cho Bộ Công thương quản lý.

Lúc này, ngân hàng Nhà nước sẽ giữ đúng vai trò là điều hành tiền tệ và chỉ quản lý vàng dưới dạng ngoại hối để bảo đảm tập trung cho mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây cũng là đề xuất của chuyên gia về giá Ngô Trí Long.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại không đồng tình với đề xuất này. Bởi theo ông Thỏa, vàng không phải là hàng hóa thông thường mà nó là một dạng hàng hóa đặc biệt do cả trên cả thế giới, hay Việt Nam nói riêng vẫn coi vàng là một trong những phương tiện thanh toán và dự trữ, giống như ngoại tệ.

"Vàng không mất vai trò tiền tệ, cho nên nó không thể coi là hàng hóa bình thường", ông Thỏa nói và dẫn chứng, trong mua bán, mặc dù người ta không mua bán bằng vàng nhưng thường lấy vàng làm vật quy chiếu giá, như bất động sản.

Với các đề xuất trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, việc sửa đổi Nghị định 24 là dịp để cơ quan quản lý đánh giá lại chính sách quản lý, kinh doanh vàng.

Theo ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại cơ chế quản lý vàng miếng. Đối với vàng không phải vàng miếng, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là để thị trường tự quyết định.

Ông Tuấn cũng cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp trong việc quản lý thị trường vàng và cũng đã có văn bản xin ý kiến góp ý để sửa đổi cho nghị định này.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gia-lap-dinh-cach-nao-quan-ly-thi-truong-vang-192240304073641894.htm