Gia Lai mít tinh hưởng ứng 'Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3' năm 2024

Sáng 22-3, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, Ban Chỉ đạo về phòng, chống bệnh lao tỉnh Gia Lai tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng 'Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3' năm 2024 với chủ đề: Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao.

Tham gia lễ mít tinh có trên 300 người thuộc các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, lực lượng vũ trang và các đơn vị ngành Y tế.

Thông tin tình hình bệnh lao, ông Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai cho biết: Việt Nam hiện đang đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu và 11/30 nước có tỷ lệ lao đa kháng thuốc cao. Theo Chương trình Chống lao quốc gia, dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề. Đặc biệt, trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến không triển khai được các hoạt động khám sàng lọc bệnh lao trong cộng đồng nên số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Quang cảnh Lễ mít tinh. Ảnh: Như Nguyện

Riêng năm 2023, Chương trình đã phát hiện trên 106 ngàn trường hợp mắc lao các thể và 13.000 người chết do lao, cao gấp đôi do tai nạn giao thông; trong khi đó chúng ta mới phát hiện và chữa khỏi bệnh được gần 60% số người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng. Với hơn 40% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.

Tại Gia Lai, trong năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 705 bệnh nhân lao các thể. Nhằm chủ động phát hiện bệnh lao, hàng năm, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai đều triển khai Chương trình thuộc “Chiến dịch mở rộng hoạt động sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng bằng chiến lược 2X” (X-quang, Xpert), góp phần chủ động sàng lọc và phát hiện bệnh lao trong cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, bệnh nhân lao tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều, gia tăng bệnh nhân lao kháng thuốc là các vấn đề khó khăn trong công tác phòng, chống lao tại tỉnh Gia Lai.

Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai nhấn mạnh: Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức vào ngày 24-3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Mọi người hãy hành động để phòng, chống bệnh lao với chủ đề ngày Thế giới chống lao năm 2024: “Yes! We can end TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao), là chủ đề Việt Nam lựa chọn để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay.

Ông Đinh Hà Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: Như Nguyện

Trong suốt 47 năm qua, từ ngày thành lập Trạm chống lao tỉnh đến nay, hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống bệnh lao đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lao, từ đó góp phần giúp cho chương trình chống lao quốc gia cũng như mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra là: Phát hiện trên 70% số người bệnh lao có trong cộng đồng và điều trị thành công trên 85% số người bệnh lao phát hiện.

Có thể nói chương trình chống lao tại Gia Lai những năm qua đã góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của ngành Y tế và góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể là: Phát hiện sớm các trường hợp mắc lao trong cộng đồng, thu dung và quản lý điều trị thành công trên 90% trường hợp, người bệnh hồi phục sức khỏe và tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân, gia đình; góp phần hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong cộng đồng; hạ thấp tỷ lệ tử vong do lao nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung, góp phần tăng tuổi thọ bình quân của tỉnh.

Với các hoạt động vận động xã hội, chương trình đã kêu gọi và nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội góp phần thực hiện thành công cho công tác chống lao. Triển khai chiến lược “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp” đây là chiến lược của WHO tập trung vào 4 bệnh hô hấp thường gặp đó là Viêm phổi cộng đồng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và Bệnh lao.

Tuy nhiên bệnh nhân lao đâu đó vẫn còn mặc cảm xa lánh của cộng đồng, sự kỳ thị xã hội, làm cho bệnh nhân lao thiếu tự tin, thường giấu bệnh. Khi đến bệnh viện khám bệnh đã đến giai đoạn muộn để lại di chứng nặng nề.

Các lực lượng, hội đoàn thể đã tham gia diễu hành truyền thông lưu động phòng-chống bệnh lao trên các trên đường chính trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện

Dịp này, Ban Chỉ đạo về phòng, chống bệnh lao tỉnh Gia Lai phát động chiến dịch chấm dứt bệnh lao đến năm 2035 với mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ nhiễm lao, giảm tỷ lệ tử vong do lao và hướng tới loại bỏ hoàn toàn bệnh lao trong cộng đồng, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc lao < 20/100.000 dân và tỷ lệ điều trị thành công >92% vào năm 2030. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Sau lễ mít tinh, các lực lượng, hội đoàn thể đã tham gia diễu hành truyền thông lưu động phòng, chống bệnh lao trên các trên đường chính trên địa bàn TP. Pleiku.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-mit-tinh-huong-ung-ngay-the-gioi-phong-chong-lao-24-3-nam-2024-post270465.html