'Ghi nóng' ở công trình Vành đai 3 TPHCM

Giữa tháng 4, trời Nam bộ nắng như đổ lửa. Đợt nắng nóng lịch sử kéo dài suốt 3 tháng qua khiến không khí trên dải công trình nóng như nung đốt, nhưng không khí làm việc vẫn vô cùng khẩn trương, hối hả...

Giữa trưa ngày 16/4, nhiệt độ tại khu vực thi công vòng xoay Vành đai 3 - Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (phường Long Trường, TP Thủ Đức) lên đến trên 40 độ.

Nhiều vạt cây cỏ đã khô héo sau khoảng 3 tháng hứng chịu nắng nóng cực độ. Nhưng những cỗ máy vẫn hoạt động, bóng những công nhân vẫn đi lại giữa mặt bằng trống trải, cần mẫn với công việc trên thực địa.

Đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An đang được gấp rút thi công.

Anh Trần Văn Bá, công nhân ở đây cho biết, đơn vị của anh chịu trách nhiệm thi công một số trụ bê tông cho tuyến cầu cạn từ nút giao Cao tốc kéo dài đến nút giao Tân Vạn.

"Chúng tôi bắt đầu làm việc từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, đến giờ đã hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn.

Phần khoan cọc nhồi đã xong, đang thả lồng sắt để đổ bê tông trụ móng. Chỉ trong một thời gian ngắn đã thi công được 4 - 5 trụ, tất cả đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và tiến độ thời gian. Không lâu nữa, những trụ bê tông sẽ mọc lên, hình hài tuyến đường trên cao cũng sẽ dần lộ diện", anh Bá cho biết.

Đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức (từ km14+950 đến km17+500) là một đoạn của dự án thành phần 1 - xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc).

Liên danh trúng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty CP Hà Đô 1.

Giá trúng thầu là 1.727 tỷ đồng (giá dự toán 1.729 tỷ đồng), thời gian thực hiện hợp đồng là 1.080 ngày. Đây cũng là nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu và sau đó trúng thầu.

Nút giao giữa Vành đai 3 và Cao tốc là một trong hai giao lộ có kết cấu phức tạp bậc nhất trên tuyến Vành đai 3 (phức tạp nhất là nút giao Tân Vạn). Nền đất ở khu vực Tâm Đa - Long Trường khá yếu, cần phải xử lý thật tốt.

Việc vận chuyển vật tư, vật liệu cũng không thuận tiện, phải kết hợp giữa vận chuyển đường bộ và đường thủy.

Vì thế, lượng máy móc, thiết bị được huy động để phục vụ cho việc thi công là khá lớn. Lực lượng nhân sự không quá đông, nhưng phải là những thợ giỏi có khả năng điều khiển, vận hành máy móc "siêu hạng", hoặc người có thể lực tốt để đảm nhiệm phần việc tay chân.

Tuyến Vành đai 3 từ cầu Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến TP Thủ Đức đã được giải phóng mặt bằng và tiến hành san ủi để thi công từ 3 - 4 tháng trước, hiện đơn vị thi công cấp tập xử lý nền móng của các trụ cầu cạn, đã có những trụ dần vượt lên cao.

Về đêm, những chuyến xe tải nặng dồn dập đổ về, mang theo nhiều loại vật tư và bổ sung máy móc, trang thiết bị. Hàng trăm chuyến xe chở bê tông chạy rầm rập suốt đêm.

"Đổ bê tông về đêm vừa mát, vừa đảm bảo kỹ thuật. Những công trường trên suốt tuyến đã "không ngủ" từ sau tết đến giờ, mọi người quen với nhịp độ và áp lực công việc nên tiến độ càng được đẩy nhanh hơn", anh Sơn công nhân ở đây cho biết.

Gần đây, trước việc liên danh nhà thầu của 3 gói thầu thuộc dự án đoạn TP Thủ Đức kiến nghị về giải pháp xử lý nền đất yếu ở một số vị trí, dự kiến công tác xử lý nền cần 14 tháng, nên tiến độ công trình sẽ bị chậm lại nhiều tháng, chủ đầu tư một mặt tỏ thái độ kiên quyết, mặt khác đã nhanh chóng cùng các nhà thầu tìm giải pháp giải quyết vấn đề. "Tất cả đơn vị vẫn đang quyết tâm giữ tiến độ đã cam kết từ đầu.

Cuối năm 2025 cơ bản xong phần cao tốc. Để làm được điều này, chúng tôi tập trung vào hai nhóm giải pháp. Một là giải pháp đảm bảo cát để tháng 4, tháng 5 bắt đầu đi vào giai đoạn hoàn tất gia tải. Đối với các nhà thầu, chủ đầu tư yêu cầu làm đúng trách nhiệm quy định trong hợp đồng. Chúng tôi sẽ áp dụng điều kiện xử phạt nếu tiếp tục xảy ra chậm trễ cung cấp cát.

Các nhà thầu đã cam kết, chủ đầu tư đang theo dõi. Hai là, đối với khu vực phía đông, hơn 80% là trụ và cầu cạn đi trong trục chính, hoàn toàn không ảnh hưởng nhu cầu cát. Do đó chủ đầu tư hoàn toàn kiểm soát được tiến độ", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban giao thông - chủ đầu tư) cho biết.

Cùng với TPHCM, các nhà thầu thi công đoạn qua tỉnh Long An và Bình Dương đang nhộn nhịp xây dựng. Để đảm bảo vật liệu, hai địa phương này đã lên kế hoạch và chủ động tìm kiếm các mỏ cung ứng, đặc biệt là cát.

Tuyến đường đang dần thành hình.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất để có thể triển khai việc thi công tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Tuyến đường dài hơn 76km, rộng 120m bao gồm nhiều hạng mục lớn đang dần thành hình.

Tiếp xúc với những cán bộ quản lý và công nhân thuộc nhiều đơn vị khác nhau tham gia thi công dự án, tất cả đều bày tỏ quyết tâm sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất có thể.

Rất quan tâm đến dự án có vai trò đặc biệt quan trọng này, trong dịp thị sát công trình hồi đầu năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, dự án đường Vành đai 3 TPHCM có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kết nối vùng, kết nối với các tuyến cao tốc huyết mạch hướng tâm TPHCM.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan xác định năm 2024, 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành dự án đúng tiến độ, phấn đấu vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Những ngày này, hoạt động thi công tuyến đường diễn ra vô cùng sôi nổi. Dường như cái nóng của thời tiết càng khiến những con người có mặt trên công trình thêm quyết tâm, nhiệt huyết, sẵn sàng chạy đua với thời gian để đưa dự án về đích đúng kế hoạch.

Vành đai 3 TPHCM có chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Dự án này đi qua TPHCM 46km, Bình Dương hơn 10km, Đồng Nai 11km và Long An 6,81km.

Bảo Khánh

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/ghi-nong-o-cong-trinh-vanh-dai-3-tphcm-20240429113406443.htm