Ghi nhớ lời Bác quan tâm đến người vác súng, người trước súng sau

BHG - Khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ nói: “Muốn làm cách mạng thì phải tuyên truyền, quân đội cách mạng cũng phải lấy tuyên truyền làm cốt yếu” nên quyết định lấy tên gọi: “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Phải chiến đấu với kẻ thù xâm lược mạnh gấp bội về vũ khí, súng đạn, Bác nói: “Muốn đánh thắng thì vũ khí cũng rất cần nhưng quan trọng hơn là người sử dụng vũ khí”, “phải quan tâm đến người vác súng”, “người trước, súng sau”. Nghĩa là phải tập trung vào xây dựng đội quân mà người cầm súng biết hy sinh chiến đấu vì ai, vì mục đích gì. Có nhà báo nước ngoài hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nguyên nhân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng trả lời, nếu xét về vũ khí thì Việt Nam không trụ nổi 2 ngày, nhưng quân đội Việt Nam đánh thắng nhờ chính nghĩa, nhờ ý chí chiến đấu của người lính, nhờ đường lối toàn dân đánh giặc, nhờ sức mạnh của toàn dân tộc.

Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước Quân đội nhân dân Việt Nam đã kết nối mạch nguồn, ý chí quật cường, bản lĩnh, khí phách, tinh thần đoàn kết thành sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh để trở thành đội quân bách chiến, bách thắng. Có được điều này, chính là từ tư duy xây dựng đội quân coi trọng vai trò “người vác súng”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến đánh thắng “hai đế quốc to” cán bộ chiến sỹ luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động mưu trí, dũng cảm đối mặt với kẻ thù tàn ác với thủ đoạn tàn bạo, đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, sáng tạo “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “nắm thắt lưng địch mà đánh” để chiến thắng, dù chúng có vũ khí, trang bị kỹ thuật tối tân. Với tinh thần yêu nước nồng nàn cán bộ, chiến sỹ sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc. Hiện nay trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, quân đội ta luôn kiên định, vững vàng, “dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Đảng với Tổ quốc, với Nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Tiểu đoàn súng máy tự hành 241 và Đại đội 1, Trung đoàn Pháo cao xạ 234 tại sân bay Bạch Mai, ngày 19-7-1965. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Tiểu đoàn súng máy tự hành 241 và Đại đội 1, Trung đoàn Pháo cao xạ 234 tại sân bay Bạch Mai, ngày 19-7-1965. Ảnh: Tư liệu

Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn gian khổ, lập nhiều thành tích xuất sắc trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên không, trên biển, biên giới, đất liền, không gian mạng. Kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên Biển Đông, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Có thể nói nét đặc trưng tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam là lòng yêu nước và tính nhân văn. Dù khó khăn, gian khổ, vất vả đến đâu toàn quân luôn đoàn kết, thống nhất, cùng một ý chí, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn đề cao tinh thần huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu, phát minh, ứng dụng các thành tựu khoa học; sẵn sàng hy sinh bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Đi đầu trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa ở nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Hiện nay trước những biến động phức tạp, khó lường đang diễn ra ở khu vực và thế giới, phát huy truyền thống và trách nhiệm của “người vác súng” cần tiếp tục nâng cao hơn nữa bản chất tốt đẹp của quân đội ta để đáp ứng tình hình mới.

1. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, kiên quyết chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù rêu rao “phi chính trị hóa quân đội” nhằm làm cho quân đội mất phương hướng chiến đấu, phân rã về chính trị, tư tưởng, tổ chức không còn mục tiêu và sức mạnh để chiến đấu. Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc, gắn liền máu thịt với nhân dân, đó cũng chính là phẩm chất cách mạng của “Bộ đội Cụ Hồ”. Quan tâm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, xây dựng Đảng bộ quân sự các cấp thật sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo quân đội phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của quân đội để xứng danh là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”.

2. Cần đặt lên hàng đầu công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đảm bảo trong mọi hoàn cảnh cán bộ, chiến sỹ luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phải hết sức quan tâm đến giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước mà cốt lõi là ý thức độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Coi trọng giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam mà đặc trưng cơ bản là đạo đức cách mạng, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, quan hệ máu thịt quân - dân.

3. Gắn kết chặt chẽ, vận dụng linh hoạt mối quan hệ giữa quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam phối hợp với lý luận, thực tiễn của nghệ thuật quân sự thế giới hiện nay, cũng như những tiến bộ mới về vũ khí, khí tài để tiến lên chính quy hiện đại phù hợp với tình hình mới. Cán bộ chiến sỹ phải không ngừng ra sức học tập, tiếp thu cái mới, làm chủ khí tài, rèn luyện nâng cao năng lực trình độ mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với tinh thần bảo vệ Tổ quốc chủ động từ sớm, từ xa.

4. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái không để xâm nhập vào môi trường quân sự. Hiện nay các thế lực thù địch đang tìm cách đẩy mạnh chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với âm mưu thủ đoạn tinh vi trong đó quân sự là một trọng điểm. Vì vậy quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống lại những biểu hiện lệch lạc; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Cần nhận diện và chủ động nhạy bén trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội. Cuộc đấu tranh này đang diễn ra và hết sức gay go, phức tạp nên đòi hỏi quân đội vừa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa phải có trình độ lý luận và trí tuệ cao với tinh thần dũng cảm, xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

5. Chủ động phòng chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chạy chức, chạy quyền, thoái hóa bản chất… Thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình và diễn biến về tư tưởng; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chia rẽ nội bộ… Thực hiện tốt bảo vệ nội bộ trong quân đội với tinh thần dân chủ và nêu gương của người chỉ huy, thường xuyên phê bình và tự phê bình, dám nhìn thẳng vào sự thật, không nể nang che dấu khuyết điểm. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng và kỷ luật quân đội.

Trong tình hình mới cùng với sự phát triển của nghệ thuật quân sự và biến cố khó lường thì cán bộ và chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn giữ vững bản lĩnh của đội quân cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng với Nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn tự hào và không ngừng phát huy giá trị cao đẹp đó vào quá trình rèn luyện, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành để “người vác súng” luôn xứng đáng và mãi xứng danh là người lính của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đặng Duy Báu

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/hoc-tap-theo-bac/202312/ghi-nho-loi-bac-quan-tam-den-nguoi-vac-sung-nguoi-truoc-sung-sau-5e45e37/