Gặp anh hùng 14 lần được phong tặng dũng sĩ

Những ngày tháng 4 lịch sử này, vượt gần 200km chúng tôi ngược về miền đất Kim Nham (Nghệ An) lịch sử thăm Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân giải phóng Trần Kim Cầu - người 14 lần được phong tặng dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng Trần Kim Cầu.

Chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Thiếu tá Trần Kim Cầu nằm cạnh quốc lộ 7, thuộc thôn 3, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn. Dù đã ở tuổi 80 nhưng Thiếu tá Trần Kim Cầu vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn khi trò chuyện. Đặc biệt là những câu chuyện về sự gian khổ, ác liệt và tinh thần quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của những tháng ngày hào hùng một thời hoa lửa.

Sinh năm 1944, ở xã Thanh Bài, huyện Thanh Chương (Nghệ An), cậu bé Trần Kim Cầu ngày đó không may mắn như các bạn cùng trang lứa, mới 2 tuổi đã mồ côi mẹ, bố lấy vợ khác nên từ bé cậu đã thiếu vòng tay và hơi ấm của mẹ. Gia đình đông con nên Cầu phải đi ở nhờ nhà chú để có cái ăn, cái mặc, không được học hành tới nới tới chốn.

Bức ảnh chụp cùng đồng đội trên chiến trường luôn được Anh hùng Trần Kim Cầu nâng niu, gìn giữ.

Năm 1962, tròn 18 tuổi, Trần Kim Cầu được chú xin cho đi làm công nhân nhà máy chè tại Phú Thọ. Nhờ thông minh, nhanh nhẹn nên sau 5 năm làm công nhân, Trần Kim Cầu được nhà máy cử đi học tại Trường Thống kê Vật tư.

Trong lúc đang học tại trường thì chiến tranh ác liệt xảy ra do Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Với khí thế “gác bút nghiêng lên đường đánh giặc”, chàng trai Trần Kim Cầu viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội, nhưng do thấp bé, nhẹ cân nên đơn của Cầu không được chấp thuận. Không nản chí và đến lần thứ 3, lá đơn tình nguyện ra trận của Cầu mới được chấp nhận.

Tháng 7/1967, Trần Kim Cầu được khoác lên mình màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ theo ý nguyện và được phân công về Sư đoàn 320 ở Hòa Bình để huấn luyện; sau đó được biên chế vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, cả đơn vị hành quân vào chiến trường miền Đông Nam bộ.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trên tất cả các mặt trận Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Dầu Tiếng, Tây Ninh… người lính Trần Kim Cầu không ngại hiểm nguy, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ khi nào, tại vị trí nào…

Những năm tháng trong chiến trường, luôn đối mặt với cái chết bởi ông bị thương 8 lần, vết thương ở khắp cơ thể. Hiện trong đầu, phổi và đầu gối vẫn còn những mảnh đạn và bom bi, mỗi khi trái gió trở trời chúng lại hành hạ ông.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân giải phóng của Thiếu tá Trần Kim Cầu.

Trận đánh đầu tiên ông sử dụng súng chống tăng B40, B41 để bắn hạ xe tăng địch là trận đánh tại mặt trận Đông Nam bộ năm 1969 và nó theo ông mãi đến bây giờ.

Ông kể: “Trận đó xe tăng địch gây khó khăn cho lực lượng bộ đội ta xông vào chiếm lãnh địa, đơn vị họp bàn tác chiến và đưa ra quyết định “cử một chiến sĩ giữ súng chống tăng, tiêu chí phải là đảng viên và có sức khỏe tốt để đảm bảo chiến đấu liên tục”, tôi xung phong nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, chỉ huy đơn vị không đồng ý vì tôi quá bé, sức khỏe không đảm bảo. Không nản chí, tôi tiếp tục kiên trì, thuyết phục thủ trưởng đơn vị để nhận nhiệm vụ và được chấp thuận đảm nhận nhiệm vụ nặng nề đó”.

Trận đầu, ông cùng phân đội cầm súng xông vào lãnh địa của địch chiếm đóng, mang trên vai khẩu chống tăng B41 cùng 4 trái đạn, ông Cầu trườn qua dải đất đầy chông gai, nằm ép người xuống vết hằn cũ của xích xe tăng.

Chiếc xe tăng M41 của địch hiện ra trong khe ngắm, Trần Kim Cầu bình tĩnh bóp cò, xe thiết giáp bốc cháy ngùn ngụt, thừa thắng quân ta xông lên chiếm trận địa.

Trận chiến đấu ấy, đơn vị diệt được 50 xe tăng M113 và M41, riêng ông Trần Kim Cầu bắn cháy 3 xe tăng. Sau lần đó, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng và được tin tưởng hơn trong việc ôm súng diệt tăng mỗi khi cần điều động.

Anh hùng Trần Kim Cầu với Huân chương Chiến công giải phóng.

Từ năm 1968 đến năm 1971, ông Trần Kim Cầu đã tiêu diệt 13 xe tăng, hàng trăm tên địch, thu giữ 11 khẩu súng các loại, 13 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, 1 lần được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ. Với chiến công đó, ngày 20/9/1971, Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đã ký tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân giải phóng cho ông.

Hòa bình lập lại, ông Trần Kim Cầu được cử ra miền Bắc học tập tại Trường Quân chính. Năm 1976, ông có dịp về thăm quê và được người thân mai mối nên duyên với bà Hoàng Thị Tâm (SN 1952, trú xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương) là nhân viên Bưu điện huyện Anh Sơn.

Cưới vợ xong ông tiếp tục ra Bắc làm nhiệm vụ. Năm 1980, ông trở về quê đoàn tụ gia đình và đảm nhiệm chức vụ Phó Chỉ huy trưởng động viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Anh Sơn.

Giờ đây, Anh hùng Trần Kim Cầu đã 80 tuổi, nhiều vết thương trên cơ thể nhưng đầu óc vẫn minh mẫn và đặc biệt đôi mắt vẫn tinh anh. Những ngày trái gió trở trời, vết thương trên cơ thể vẫn hành hạ ông. Dù thế, nhưng ông luôn tự hào về những máu xương đã để lại nơi chiến trường để đổi lấy độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Từ năm 1968 đến năm 1985, ông Trần Kim Cầu giữ nhiều chức vụ như: Trung đội trưởng C12 d2 Đoàn 275; C trưởng C12, d6, k5; D phó d31, F7; Tham mưu phó Trung đoàn 764; Phó Chỉ huy trưởng động viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Anh Sơn. Dù ở bất kỳ vị trí nào, nhiệm vụ nào ông cũng đều hoàn thành một cách xuất sắc.

Hoàng Tùng

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/gap-anh-hung-14-lan-duoc-phong-tang-dung-si-20240429165136697.htm