EU tăng cường phòng thủ và quyền tự chủ chiến lược

Tuyên bố năm 2022 sẽ là 'năm quốc phòng châu Âu' và kêu gọi quyền tự chủ chiến lược lớn hơn cho 'lục địa già' của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel được cho là một sự thừa nhận thẳng thắn rằng Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những nghi ngờ về khả năng tự bảo vệ của châu Âu bằng quân sự...

Phát biểu trong khuôn khổ Lễ trao giải Charlemagne năm 2021 cho Tổng thống Romania Klaus Iohannis vào ngày 2-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng: “Quyền tự chủ lớn hơn của EU phải dựa trên hai trụ cột chiến lược-phát triển kinh tế-xã hội và an ninh”. Ông đồng thời nhấn mạnh trụ cột đầu tiên chính là kinh tế-xã hội. Kêu gọi “quyền tự chủ chiến lược” lớn hơn dựa trên trụ cột đầu tiên là kinh tế và xã hội cũng đồng nghĩa với việc người đứng đầu Hội đồng châu Âu thừa nhận nguồn sức mạnh chính của châu Âu nằm chính ở “ví tiền”, chứ không phải vũ khí. Ông khẳng định châu Âu “muốn ít bị phụ thuộc hơn”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố năm 2022 sẽ là “năm quốc phòng châu Âu”. Ảnh: EPA

Ông Charles Michel cũng nói rằng, trụ cột thứ hai là an ninh và “Liên minh Đại Tây Dương là xương sống của nó”. Tăng cường phòng thủ châu Âu có nghĩa là củng cố Liên minh Đại Tây Dương. Đồng minh mạnh hơn làm cho liên minh mạnh hơn. Năm 2022 do đó sẽ là “năm quốc phòng châu Âu ”.

Trong phát biểu trên, ông Charles Michel cũng trực tiếp đề cập đến những chia rẽ sâu sắc và mang tính lịch sử giữa các nước thành viên EU về “quyền tự chủ chiến lược”. Ông nói: “Chúng tôi biết rằng cách diễn đạt "quyền tự chủ chiến lược" có thể mang nhiều hàm ý khác nhau... Nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ công dân của mình và bảo đảm an ninh của họ bằng cách tập trung vào khả năng thuyết phục cũng như sức mạnh của EU, và thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế”.

Những phát biểu của ông Charles Michel cho thấy mặc dù kêu gọi quyền tự chủ chiến lược, nhưng châu Âu cũng không thể từ bỏ được mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, nhất là với Mỹ. Thực tế là lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác giữa EU với NATO và hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Nhưng xem ra các vấn đề đối nội, nhất là vượt qua khủng hoảng Covid-19 cùng những mối quan tâm mới của chính quyền mới ở Washington khiến mục tiêu của EU trước mắt khó mà đạt được.

Không phải ngẫu nhiên ông Charles Michel lại nhấn mạnh tới “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu ở thời điểm này. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 cùng mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương bị sứt mẻ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến EU phải tiếp tục theo đuổi quyền tự chủ chiến lược. Trước đây, chính Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng tuyên bố EU muốn hành động một cách chiến lược hơn nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị của chính mình.

Mục tiêu về quyền tự chủ lớn hơn không phải bây giờ châu Âu mới đề cập tới. Các nhà lãnh đạo châu Âu trước đây đã nhất trí với khái niệm này, trong đó bao gồm cả sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh năm 2019 ở Sibiu, Romania. Tuy nhiên, những lo lắng bấy lâu về khả năng quân sự của châu Âu cũng như sự thiếu phối hợp giữa các nước thành viên EU thời gian gần đây đã trở thành vấn đề trung tâm của các cuộc thảo luận chính trị sau cuộc rút quân khỏi Afghanistan do Mỹ dẫn đầu. Quan ngại càng gia tăng sau khi Washington thông báo thiết lập liên minh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Anh và Australia (AUKUS), khiến các đồng minh EU “sái lòng”, đặc biệt là Pháp. Sự hình thành liên minh này khiến Canberra rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD ký với Pháp, một thành viên của EU. Quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã sứt mẻ vì thế càng rạn vỡ nhiều hơn.

Những tuyên bố gây chú ý của người đứng đầu Hội đồng châu Âu được đưa ra trong bối cảnh 27 nguyên thủ của các nước thành viên EU sẽ thảo luận về quốc phòng và an ninh châu Âu vào thứ ba tuần tới nhân hội nghị thượng đỉnh EU ở Slovenia. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh EU ở Slovenia ngày 5-10 sẽ đưa ra tuyên bố mới về quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và NATO và tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng 3-2022.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=161352&title=eu-tang-cuong-phong-thu-va-quyen-tu-chu-chien-luoc