EU ấn định ngày triển khai lệnh trừng phạt kim cương của Nga

Hội đồng châu Âu (EC) tuyên bố EU sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, mua, chuyển giao kim cương trực tiếp hoặc gián tiếp từ Nga từ ngày 1/1/2024. Biện pháp này là một phần trong gói trừng phạt kinh tế thứ 12 của khối đối với Moscow.

Theo thông cáo báo chí, lệnh cấm áp dụng đối với kim cương có nguồn gốc, xuất khẩu, quá cảnh qua Nga và kim cương Nga khi được xử lý ở nước thứ ba.

EC cho biết lệnh cấm trực tiếp áp dụng đối với kim cương tự nhiên và tổng hợp phi công nghiệp, cũng như đồ trang sức bằng kim cương.

Theo thông cáo báo chí, các hạn chế của châu Âu áp lên kim cương Nga sẽ bắt đầu được áp dụng vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. Ảnh: Getty Images.

“Hơn nữa, lệnh cấm nhập khẩu gián tiếp kim cương Nga đã qua xử lý (tức là cắt và/hoặc đánh bóng) ở các nước thứ ba, bao gồm cả đồ trang sức có chứa kim cương có nguồn gốc từ Nga, sẽ áp lệnh cấm dần dần kể từ ngày 1/3/2024 và được hoàn thành trước ngày 1/9/2024”, EC tuyên bố.

Theo đó, việc áp dụng dần các lệnh cấm nhập khẩu gián tiếp là hợp lý bởi nhu cầu “triển khai cơ chế truy xuất nguồn gốc nhằm thực hiện các biện pháp thực thi hiệu quả và giảm thiểu sự gián đoạn cho thị trường EU”.

Lệnh cấm kim cương của Nga là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm phát triển “lệnh cấm kim cương được phối hợp quốc tế nhằm mục đích tước đoạt nguồn doanh thu quan trọng này của Nga”, EC kết luận.

Bỉ trước đó đã ngăn chặn nỗ lực của các đồng minh phương Tây trong việc cấm kim cương của Nga, cảnh báo rằng Antwerp – nơi 90% đá quý của thế giới đi qua – sẽ có nguy cơ mất cơ hội kinh doanh vào tay Dubai nếu lệnh cấm vận được thông qua.

Tuy nhiên, quốc gia này hiện đã đưa ra lệnh cấm kim cương của riêng mình. Theo đề xuất của Bỉ, G7 có thể giới thiệu hệ thống theo dõi kim cương tương tự như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT giữa các ngân hàng. Cơ chế này sau đó sẽ ngăn cản kim cương có nguồn gốc từ Nga thâm nhập thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, Nga đang chuyển hướng buôn bán kim cương sang các thị trường thay thế, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Armenia và Belarus.

Khánh Vy (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/eu-an-dinh-ngay-trien-khai-lenh-trung-phat-kim-cuong-cua-nga-post277264.html