Ðề xuất thí điểm kêu gọi đầu tư kè biển

Thực hiện Ðề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QÐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua 3 năm thực hiện đề án, tính đến nay, tỉnh đã thực hiện 21 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng kinh phí khoảng 2.250 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành 10 công trình bằng giải pháp kè 2 hàng cọc ly tâm, các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện.

Sạt lở đang ngày càng nghiêm trọng và công tác khắc phục khó khăn hơn.

Sạt lở đang ngày càng nghiêm trọng và công tác khắc phục khó khăn hơn.

Đánh giá hiệu quả các công trình nói trên, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Ðối với giải pháp xử lý sạt lở bờ biển, thời gian qua tỉnh đã thực hiện rất nhiều giải pháp kè như: kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ... với tổng chiều dài khoảng 55,7 km; tổng kinh phí kè bảo vệ bờ biển 1.720 tỷ đồng (trong đó, bờ biển Tây 43,8 km, kinh phí thực hiện khoảng 1.103 tỷ đồng; bờ biển Ðông 11,9 km, kinh phí thực hiện 617 tỷ đồng), đã xử lý khắc phục sạt lở rất hiệu quả ở những vị trí xung yếu nhất”.

Hiệu quả được minh chứng là trong 5 năm qua, đê biển tỉnh Cà Mau không đoạn nào bị phá vỡ, vừa bảo vệ cho tính mạng và tài sản của Nhân dân, vừa bảo vệ diện tích sản xuất ven biển.

Ðối với sạt lở bờ sông, 3 năm qua, tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông tại các khu vực dân cư tập trung để bảo vệ hạ tầng bên trong, với tổng chiều dài 9,2 km kè bảo vệ, kinh phí thực hiện khoảng 391 tỷ đồng; đồng thời sắp xếp khu tái định cư, di dời các hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở nguy hiểm; đóng cọc dọc bờ sông, kênh, rạch, kết hợp rà soát luồng tuyến sông, vận tải, sắp xếp phương tiện phù hợp... Bên cạnh đó, hiện nay, người dân sống ven tuyến sông, kênh, rạch bị sạt lở tự làm kè bê tông, kè tre, kè lá dừa nước để chắn sóng, trồng cây mắm và các loại cây sống ngập nước để chống sạt lở ven sông.

Sáng ngày 24/5, trên địa bàn ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh xảy ra sạt lở lộ đal 1,5 m, đoạn sạt lở dài khoảng 80 m, làm ảnh hưởng đến vuông tôm. Hiện chính quyền địa phương và người dân khắc phục tạm thời, hạn chế thiệt hại về tôm nuôi.

Sáng ngày 24/5, trên địa bàn ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh xảy ra sạt lở lộ đal 1,5 m, đoạn sạt lở dài khoảng 80 m, làm ảnh hưởng đến vuông tôm. Hiện chính quyền địa phương và người dân khắc phục tạm thời, hạn chế thiệt hại về tôm nuôi.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án, ghi nhận khó khăn lớn nhất của địa phương trong ứng phó với sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh là về vốn đầu tư. Sạt lở đã và đang diễn ra trên diện rộng, trong khi vốn đầu tư công trình của địa phương có giới hạn (mặc dù đã có hỗ trợ từ Trung ương), nên chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Bên cạnh đó, các quy định thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đã làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư của địa phương; biến đổi khí hậu và thời tiết nóng lên trên toàn cầu khiến hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan xảy ra nhiều hơn và có tính chất dị thường, trái quy luật...

Do đó, tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thực hiện thí điểm việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công trình kè bảo vệ vùng ven biển, kết hợp khôi phục đai rừng phòng hộ, nhằm giảm tải đầu tư từ ngân sách. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được sử dụng chứng chỉ Cacbon phần diện tích rừng đã khôi phục, đồng thời được giao một quỹ đất nhất định phía ngoài diện tích trồng rừng giáp với kè để thực hiện dự án năng lượng mặt trời, hoặc khai thác quỹ đất để phát triển du lịch./.

Ðào Hồng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-e-xuat-thi-diem-keu-goi-dau-tu-ke-bien-a29075.html