'Đường về' chuyện cảm động của hai mẹ liệt sĩ

Hai người lính có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên. Họ có tên giống nhau, cùng quê huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và nhập ngũ cùng thời gian...

Hai mẹ liệt sĩ, cùng nhận chung ngôi mộ của con mình.

Do công tác lưu trữ hồ sơ thông tin về liệt sĩ của các phòng, ban quản lý có những nhầm lẫn về họ, tên đệm, ngày tháng hy sinh đã dẫn đến tình trạng một ngôi mộ nhưng hai gia đình cùng nhận. Hành trình 2 người mẹ xác nhận lại mộ phần liệt sĩ được truyền tải chân thực trong bộ phim tài liệu “Đường về” như lời nhắc nhở thế hệ sau nỗi đau và mất mát do chiến tranh gây nên. Đồng thời, khắc họa đậm nét vẻ đẹp cao cả, tính nhân văn sâu sắc của những bà mẹ Việt Nam giữa đời thường.

Đề tài phim tài liệu “Đường về” đến với đạo diễn Tạ Quỳnh Tư như một cái duyên. Trước đó, anh đã ấp ủ rất nhiều về ý tưởng làm phim về thương binh, liệt sĩ. Khi nắm được thông tin hơn 5.000 nghìn mẫu xương của các liệt sĩ được đem đi xét nghiệm AND không đạt kết quả, người ta không trả lại những ngôi mộ lấy mẫu, phải lưu lại tại chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh, anh Tư cảm thấy nỗi đau nhói. Mỗi mảnh xương gợi cho đạo diễn Tạ Quỳnh Tư về câu chuyện một số phận cuộc đời. Chính vì vậy, sau nhiều tháng lăn lộn tại Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã gặp hai mẹ liệt sĩ là bà Lưu Thị Hinh, mẹ liệt sĩ Đinh Duy Tuân và bà Hà Thị Xuân, mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đang đi nhờ xác định danh tính liệt sĩ cùng một ngôi mộ. Họ cùng quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Năm 2002, gia đình bà Lưu Thị Hinh đã tìm thấy mộ liệt sĩ Đinh Duy Tân nằm ở khu Nghĩa trang liệt sĩ dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Vì muốn con được ở gần các đồng đội nên gia đình bà Hinh không di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê. Đến tháng 6-2018, gia đình bà Hinh tới thăm mộ con thì hay tin gia đình bà Hà Thị Xuân đã chuyển hài cốt liệt sĩ về tỉnh Ninh Bình cách đây 8 năm. Khó khăn nảy sinh, khi cả hai gia đình đều có giấy tờ hợp lý chứng minh đó là phần mộ liệt sĩ của gia đình mình. Sau khi chuyển hài cốt liệt sĩ về tỉnh Ninh Bình, gia đình bà Hà Thị Xuân đã đặt trang trọng tại khu mộ phần của dòng họ, cạnh ngôi mộ của cha liệt sĩ theo di nguyện của chồng bà khi còn sống.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết, để xác định danh tích của ngôi mộ, đã có nhiều cuộc họp hai bên gia đình bà Hinh và bà Xuân, cùng với sự chứng kiến của các cơ quan chức năng. Diễn biến trong gần 1 năm đi tìm tên liệt sĩ đã lấy đi biết bao nước mắt của những người còn sống. Người chịu đau khổ nhất chính là hai mẹ của liệt sĩ. Thương con tuổi mới đôi mươi lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gửi thân lại nơi chiến trường, tưởng rằng đã được yên nghỉ nhưng “Đường về” quá gian nan. Hai mẹ liệt sĩ đều ở tuổi 80, đã gần trải hết một kiếp nhân sinh. Ước nguyện cuối cùng không gì bằng được thấy con mình mồ yên mả đẹp. Dẫu vậy, suốt hành trình đi tìm sự thật, hai mẹ liệt sĩ vẫn động viên, an ủi nhau. Từ đáy lòng mình bà Xuân động viên bà Hinh: “Không phải chỉ có con tôi và con bà. Còn có hàng vạn liệt sĩ đã hy sinh để đất nước được độc lập. Nên chúng ta phải nén lại đau thương”. Ngược lại, bà Hinh cũng dùng những lời lẽ từ chân thành, mộc mạc động viên bà Xuân cùng nhau vượt qua nỗi xót xa: “Tôi không muốn thế này, bà cũng không muốn, chúng ta phải nén lại, cùng nhau vượt qua”.

Khi hai gia đình thống nhất phương án, đập ngôi mộ liệt sĩ trong khu mộ phần nhà bà Xuân, lấy mẫu xương để xác định danh tính liệt sĩ thì tình huống bất ngờ nhất đã xảy ra. Hơn 40 năm, do tác động của thời tiết và con người, chất lượng hài cốt liệt sĩ đã suy giảm, không thể giám định bằng phương pháp AND được. Kết quả này, đẩy hai người mẹ đến tình huống khó xử. Nhưng trong chính tình cảnh đó, cách ứng xử của hai bà mẹ dẫn đến cái kết có hậu làm nhiều người khâm phục. Họ thống nhất ngôi mộ liệt sĩ trở thành ngôi mộ chung của hai gia đình. Mỗi dịp giỗ, tết hai gia đình đều tổ chức hương khói cho các liệt sĩ tại đó.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: “Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động khi hai mẹ đều nhận chung đó là mộ con mình, cùng chăm sóc, hương khói. Trong chuyến công tác, theo đoàn khai quật 53 ngôi mộ ở Quảng Trị, tôi đã chứng kiến chỉ có 3 ngôi mộ có mẫu xương hài cốt còn đủ chất lượng để giám định. Và kể cả khi hài cốt của các liệt sĩ đã hóa vào đất thì sự hi sinh của các anh đã thành bất tử, mãi được sử sách khắc ghi, đời đời thế hệ sau ghi nhớ. Và “Đường về” chính là về nơi nguồn cội, sống mãi trong tâm tưởng của những người đang sống”.

VĂN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/duong-ve-chuyen-cam-dong-cua-hai-me-liet-si-583421