Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

65 năm sau, kỳ tích đó đang mang một sứ mệnh mới: Không chỉ tạo điều kiện thông thương, hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu cho công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh còn là con đường tinh thần, kết nối và tạo ra sự thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc.

Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sĩ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ảnh: TTXVN

Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sĩ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

Những ngày tháng Năm này, ký ức mở đường Trường Sơn vào Nam lại trở về mạnh mẽ trong biết bao thế hệ.

Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến

Tại phòng khách của ngôi nhà nằm sâu trong Tập thể Binh đoàn 12 (Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội), Thiếu tướng Võ Sở, một trong những người chỉ huy, người lính Trường Sơn ngày ấy, nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn, mang tên gọi đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo độc đáo. Tuyến đường này đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Lúc đầu, đường Trường Sơn là con đường mòn đi dọc phía Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ. “Đoàn quân sự đặc biệt”- sau đó gọi là Đoàn 559, được giao nhiệm vụ vừa vận chuyển vừa “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để đảm bảo bí mật tối đa. Song, trước yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn và gấp rút, Trung ương quyết định phải vận tải cơ giới. Đồng thời, hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam - Lào thống nhất mở thêm đường phía Tây Trường Sơn. Binh đoàn Trường Sơn là đơn vị triển khai lực lượng, đảm bảo hoạt động của hệ thống giao thông này.

Thiếu tướng Võ Sở nói về những năm tháng chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thiếu tướng Võ Sở nói về những năm tháng chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông Võ Sở bồi hồi nói, chỉ sau vài năm, đường mòn Trường Sơn ngày một nối dài, vượt xa với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua nhiều tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Con đường này thực sự trở thành một hệ thống đường vận tải quân sự hiện đại với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp có độ dài lên đến 17.000 km; có đường ống xăng dầu dài 1.400 km, đường giao liên và tải thương dài 1.200 km.

Trước sự phát triển nhanh chóng, quy mô, hoàn chỉnh và hiện đại của tuyến đường mòn xuyên dãy Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã huy động trí tuệ, sáng chế ra các chương trình chiến tranh tự động, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học nhằm chặn “động mạch chủ” của cơ thể Việt Nam kháng chiến. Phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara được xây dựng và thiết lập dọc theo khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh.

“Từ năm 1965 - 1975, máy bay địch, trong đó có cả máy bay B-52 đã đổ xuống đây khoảng trên 4 triệu tấn bom đạn đủ loại, gấp đôi tổng số bom đạn dùng trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Khối lượng bom đạn khổng lồ ấy trút xuống dãy Trường Sơn hòng biến tất cả núi đồi, cây rừng nơi đây thành bình địa”, vị tướng già Võ Sở nhớ lại.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Tuyến đường 20 Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá liên tục. Bất chấp bom đạn ác liệt, lực lượng công binh và thanh niên xung phong đã bám trụ mặt đường, lao động cật lực suốt ngày đêm để đảm bảo thông xe. Đường 20 có đến 8 trọng điểm, được gọi là những "tọa độ lửa". Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN

Tuyến đường 20 Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá liên tục. Bất chấp bom đạn ác liệt, lực lượng công binh và thanh niên xung phong đã bám trụ mặt đường, lao động cật lực suốt ngày đêm để đảm bảo thông xe. Đường 20 có đến 8 trọng điểm, được gọi là những "tọa độ lửa". Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN

Một trong những ký ức sâu đậm nhất của ông Võ Sở về sự ác liệt trong những năm tháng mở xuyên dãy Trường Sơn là ý chí, quyết tâm không lay chuyển của Binh đoàn 559 trước bom đạn Mỹ trên Đường 20, hay còn gọi là đường Quyết Thắng.

Năm 1966, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở Đường 20. Tuyến đường này có chiều dài 125km, từ khu vực Phong Nha - Quảng Bình đến vĩ tuyến 17,2 độ Bắc. Đường Quyết Thắng được mở nhằm khắc phục thế độc đạo ở khu vực vượt khẩu, tránh những “túi nước” trên đường vận chuyển và làm phân tán, hạn chế sự đánh phá, ngăn chặn của địch.

“Có một cuộc thi đua ngấm ngầm nhưng hết sức quyết liệt khi mở Đường 20. Ở dốc Ba Thang, tôi đã chứng kiến những người lính công binh đứng trên đỉnh những chiếc thang cao lênh khênh, dài bằng ba chiếc thang tre nối lại. Họ cột mình hàng giờ vào sườn núi đục đá tra bộc phá. Cứ liên tục tốp này đến tốp khác. Loạt này phát hỏa xong lại tiếp loạt khác. Một tiểu đoàn đã sử dụng gần một nghìn lượng bộc phá với hơn chín tấn thuốc nổ trong nửa tháng trời để hạ gục dốc Ba Thang. Hạ được dốc Ba Thang coi như thông Đường 20” - Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.

Khai thông Đường 20, ta có thêm trục vượt khẩu. Đường 20 chạy dưới tán rừng già, gần như nguyên sinh. Nhưng chỉ qua một mùa vận chuyển, địch phát hiện được. Con đường kín đáo lại phơi mình trơ trụi bởi hàng nghìn, hàng vạn tấn bom thù, bởi chất độc khai quang, bom na-pan.

“Tất cả lại hoàn nguyên đất đá”, vị tướng già bồi hồi nhớ lại rồi xúc động nói, Đường 20 cũng bị đánh phá ác liệt như Đường 128 và nhiều con đường khác trên dãy Trường Sơn. Ở “tuyến lửa” này, Bộ đội Trường Sơn phải chịu đựng hơn 730.000 trận oanh kích của giặc Mỹ, trên 23.000 người đã hy sinh, trên 30.000 người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam.

Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Nỗi đau, mất mát ở đại ngàn Trường Sơn là quá lớn, song các lực lượng của Binh đoàn 559 cùng bao nam, nữ thanh niên xung phong vẫn ngày nối ngày, tháng qua tháng, năm liền năm, trụ bám kiên cường, giành giật với kẻ thù từng tấc đường, chuyến hàng. Họ bất chấp những trận sốt rét rừng, những đói khát, bệnh tật, không nề gian khổ, nguy hiểm, hy sinh. Họ chia nhau từng củ sắn, nắm rau rừng, từng viên thuốc. Tất cả đều bằng tinh thần “Máu có thể đổ, đường không tắc; còn người, còn xe, còn hàng; tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Chính sự hy sinh đó đã tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc các tuyến vận tải từ Trường Sơn cho các chiến trường. Sự ra đời, phát triển của tuyến vận tải chiến lược ấy, theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ ghi lại, được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX”.

Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/duong-ho-chi-minh-tu-ky-tich-den-mach-mau-dat-nuoc-bai-1-khoi-dau-mot-huyen-thoai-20240517073232217.htm