'Đường đua' M&A dự án thêm nóng

Thị trường M&A dự án đang chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của các doanh nghiệp bất động sản trong nước sau 2 năm tái cơ cấu.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH) thông qua kế hoạch của công ty con là Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Saphire nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Lộc Minh với giá trị 350 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Lộc Minh được thành lập ngày 5/5/2022 tại TP.HCM, là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh diện tích 1,9 ha (phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức). Như vậy, sau khi Saphire mua lại Lộc Minh, Nhà Khang Điền sẽ gián tiếp sở hữu dự án này.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Novaland (mã NVL) vừa có văn bản gửi tỉnh Bình Thuận đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng quy mô gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tích cực làm việc với tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên được đề xuất từ năm 2022.

Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng thông tin, đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100-200 ha trên cả nước, pháp lý đầy đủ… để phát triển các dự án giai đoạn 2024-2025. Đất Xanh cũng lên kế hoạch M&A các quỹ đất dự án hiện hữu, tập trung tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao, có thể triển khai nhanh để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.

Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) sẽ tập trung tìm kiếm quỹ đất để phát triển các sản phẩm cao cấp tại TP.HCM và Đà Nẵng, bên cạnh xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu tại các đô thị cấp 2 như Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đồng Nai... Đồng thời, Phát Đạt còn đầu tư vào mô hình bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực có tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Xu hướng của năm nay là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch, còn khối ngoại đẩy mạnh tìm kiếm các dự án gặp khó về tài chính.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư 2 cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần Khu công nghiệp Cà Ná. Mỗi cụm có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao.

Bên cạnh lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Hà Đô còn lên kế hoạch thực hiện nhiều thương vụ M&A, tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị tại nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh… nhằm mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang đa ngành.

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp lớn khác như Ecopark, Vinhomes, Eurowindow, Hoàng Huy, TNG Holdings... cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất quy mô 50-150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận…

Theo TS. Phạm Anh Khôi - Viện Nghiên cứu Kinh tế Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services, “cuộc đua” săn quỹ đất, M&A dự án giữa các nhà phát triển bất động sản không chỉ sôi động, mà còn ngày càng đa dạng.

Chẳng hạn, về địa bàn, Vinhomes đầu tư khu đô thị tại Long An, Cần Giờ, Cam Lâm…; PV Invest “Nam tiến” với dự án tại đảo Đại Phước (Đồng Nai); chiều ngược lại, nhiều chủ đầu phía Nam như CapitaLand, Keppel Land, Phú Mỹ Hưng… lại đẩy mạnh “Bắc tiến”...

Về loại hình bất động sản, Vingroup và Hà Đô nghiên cứu phát triển bất động sản khu công nghiệp tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), Ninh Thuận…; Novaland, Ecopark tiếp tục phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, Phú Thọ...

Về quy mô, Vinhomes đầu tư khu đô thị hơn 1.000 ha tại Long An; Phát Đạt, An Gia, Đất Xanh, Hoàng Huy, Ecopark, Eurowindow, TNG Holdings... đang tích cực “săn” các quỹ đất lớn quy mô từ 50-150 ha tại nhiều địa phương…

Còn về nhà đầu tư, thị trường xuất hiện nhiều “tay chơi” mới như Tập đoàn Central Pattana (Thái Lan) gia nhập thị trường bán lẻ tại Việt Nam; Tập đoàn TH vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng; Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang bất động sản với dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau…

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, trong cuộc đua mở rộng quỹ đất năm 2023, khối ngoại chiếm ưu thế. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của các doanh nghiệp địa ốc trong nước sau 2 năm tái cơ cấu. Xu hướng của năm nay là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch, còn khối ngoại đẩy mạnh tìm kiếm các dự án gặp khó về tài chính.

“Khẩu vị của các nhà đầu tư lúc này là các dự án có quỹ đất sạch, chất lượng thi công tốt, có giá trị thật, có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển”, bà Trang Bùi nói.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/duong-dua-ma-du-an-them-nong-post344313.html