Dưới mái trường của đám trẻ di cư

Trường phổ cập Tam Hà (TP. Thủ Đức) (1) là cơ sở giáo dục ưu tiên tiếp nhận học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi em có một hoặc hơn một rào cản tiếp cận hệ thống giáo dục công lập lẫn tư thục. Thiếu hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Không đủ khả năng chi trả. Bị khiếm thị. Mắc chứng tự kỷ… Những thân phận hẩm hiu được gột rửa, nâng đỡ. Trường giàu tình thương, trò hạnh phúc.

Ba thế hệ ở hẻm rau muống

Hẻm rau muống, 10 giờ rưỡi một ngày hạ tuần tháng 4.2024. Dưới tấm bạt che phả hơi nóng hầm hập, Hồ Thạch Tây(2) phụ bà nội và chú Út lặt lá rau muống. Rau muống bỏ sạch lá, chủ cân cọng, trả 2.200 đồng/kg. Ba thế hệ đến từ Cà Mau luôn tay đến non trưa. Tiền công ngoài 80 ngàn đồng. Thanh niên 32 tuổi im lặng suốt buổi. Chất độc da cam khiến tâm hồn anh mãi mãi ấu dại. Anh cần mẹ suốt đời.

Tây sáng nay nghỉ học. Người hàng xóm thường cho em quá giang đến trường đổ bệnh đêm qua. Cha Tây phụ hồ, rời phòng trọ từ tảng sáng. Mẹ vắng nhà thuở em đi chập chững. Đâu còn ai ở quê để gởi gắm, Tây đành bỏ ngang lớp 5, theo cha lên Sài Gòn. Chật vật kiếm chén cơm. Sức mấy tính chuyện học hành. Học bạ lại thất lạc. “Con muốn khi lớn đi làm công ty, phụ nội” - Tây nhìn sang chú Út, nói khẽ như muỗi kêu.

“Hẻm rau muống” là cách người địa phương gọi hẻm 252 đường Tam Bình, TP. Thủ Đức.

Làm công ty là làm chi? Là không ngồi lặt rau muống giống nội. Không đi phụ hồ giống cha bữa đực bữa cái. Không tiếp thực nhà hàng như dì Trúc Linh nhiều bữa hết ca đã qua ngày mới. Hơn nửa tháng nay dì Linh chạy ngược chạy xuôi kiếm chỗ làm. Chủ rậm rịch sang quán. Chính sách zero nồng độ cồn gây khó cho mạng lưới nhà hàng, quán nhậu, kéo theo chuỗi cung ứng thực phẩm. Hai thế hệ chôn chân trong khu vực phi chính thức, không thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách tăng lương tối thiểu dự kiến áp dụng từ 1.7. Bắt đầu từ tháng này, giá mướn phòng trọ nhích thêm 50 ngàn đồng.

“Nhờ mấy sơ mà thằng nhỏ không thất học”, bà nội Tây trông mong vào thế hệ thứ ba. Có điều, em phải bắt đầu lại từ lớp 2, hơn con dì Trúc Linh một bậc. Người phụ nữ này bị chồng không giá thú bạo hành khi đang mang bầu lần hai. Song thai chào đời, nặng một ký tư. “Anh cảnh sát khu vực giới thiệu hai đứa nhỏ đến trường sơ”, người mẹ đơn thân nói một nữ tu của nhà dòng chủ động tìm đến phòng trọ thăm hỏi trước khi tiếp nhận.

Nơi ở của 7 con người chừng 8 thước vuông, có gác lửng. Dễ hiểu vì sao nhiều em thường đến trường rất sớm. Ở đó là một thế giới an toàn, nơi trẻ có thể vô lo. Những gốc xà cừ lừng lững xanh rợp vạt sân. Chia phe đá banh. Băng đá mát rượi dò bài. Và được ăn ngon.

Thực vực đạo

Đúng 6g30 bếp ăn mở cửa. Phiếu ăn giá 7 ngàn đồng, mới tăng thêm 2 ngàn từ sau dịch Covid-19, theo chị Lê Thị Diệp, thành viên Ban Caritas - Giáo xứ Tam Hà, cũng là một trong những tình nguyện viên tham gia từ khi bếp ăn bắt đầu phục vụ cách nay 8 năm. Sáng kiến khởi nguồn từ nhu cầu thực tiễn. Những gương mặt xanh mét, có khi lả đi vì đói ngay đầu giờ. Nhiều em phải đi làm đêm phụ gia đình trang trải cuộc sống. Bán vé số. Rửa xe. Vác mướn bên chợ đầu mối Thủ Đức. Bạc cắc nhọc nhằn.

Sân xanh mát an toàn thỏa sức cho các em vui chơi.

Cầm lòng không đặng, các sơ trực tiếp đứng bếp. Nguồn thu từ phiếu ăn không đủ cân đối chi phí, cộng đồng chung tay chia sớt. “Nồi nước lèo không bao giờ dùng bột ngọt”, chị Diệp đoan chắc. Khẩu phần cũng không giới hạn, các em thả sức ăn. Bún mọc, bún riêu, nui, bánh cuốn chả, xôi mặn, cơm chiên xúc xích… Thực đơn đa dạng, thay đổi theo ngày, đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng. Lanh canh muỗng nĩa. Bầy trẻ ríu ran ban mai.

Ấm bụng, các em xếp hàng ngay ngắn trước sân. Sinh hoạt đầu giờ là nội dung bắt buộc trước khi vào lớp. Đức dục song hành trí dục. Giáo viên, giám thị… luân phiên chuyện trò. Nhắc nhở vệ sinh lớp học sạch sẽ cuối giờ bởi trường không có lao công. Căn dặn tạm ngưng làm thêm, tập trung cho kỳ thi cuối cùng, đặc biệt là khối 9. Cũng có khi là câu chuyện về những tấm gương nghị lực vượt lên nghịch cảnh, như trường hợp một cựu học sinh đang hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh. Xuất phát điểm thấp đòi hỏi các em phải nỗ lực nhiều hơn. Có ý chí, có con đường - Câu khẩu hiệu in trên balô khích lệ các em mỗi ngày.

Bụi đường gột rửa

Bắt đầu hoạt động từ 2006, Trường phổ cập Tam Hà hiện tiếp nhận hơn 700 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Khoảng 90% là trẻ em di cư theo cha mẹ là lao động tự do, hạn chế năng lực tài chính. Có em sinh ra từ những gia đình khuyết cha, mẹ. Có em đến từ mái ấm, nhà mở. Có em bị khiếm thị. Có em chậm phát triển. Hơn 7 tuổi, con gái anh Đặng Đình Đông chưa một lần gọi được tên cha. Bé thiếu tình thương của mẹ từ thuở lên hai. Gà trống nuôi con, anh dắt con đi bán vé số dạo.

Qua lời giới thiệu của một giáo viên trong trường, cô bé nhập học. Dưới bóng cây trước lối vào thư viện, cô gái nhỏ ghé vào tai cha, nói chắc từng chữ theo nhịp nhắc từ sơ Kiều Oanh: “Cha… con… tên… là… Đông”. Xúc cảm dừng lại trên gương mặt khắc khổ. Anh không hay biết cô bé ương bướng là biểu hiện của bệnh tự kỷ, cho đến khi các sơ đưa bé đi bác sĩ tâm lý. Nhà trường và nhà thương can thiệp kịp thời. Chưa hết niên học, cô bé đã sải bước dài. Em biết viết số. Viết chữ. Ghép được cả tên cha. Biết tự chăm sóc bản thân. Biết phụ cha rửa chén, giặt đồ. Tình thương mầu nhiệm.

Trúng thực khiến cô bé phải nghỉ học buổi sáng, không mặc đồng phục. Buổi trưa, hai cha con ghé qua trường đón giùm con một người hàng xóm.

Mặc dù chỉ được phép dạy hết cấp II nhưng trường công bố tiếp nhận học sinh có độ tuổi đến 21, để không bỏ lại những em đã quá tuổi vào trường công trong khi không đủ khả năng chi trả học phí tư thục. Thêm nữa, cơ hội đến trường của trẻ di cư, vốn chiếm đa số, còn tùy thuộc gia đình. Cha mẹ dời nhà trọ quá xa trường do thay đổi chỗ làm. Hoặc đói việc phải tạm lánh về quê…

Vô vàn lý do chính đáng khiến con đường đến trường của các em đứt gãy. Cánh cửa học đường chưa đóng lại. Không hiếm trường hợp học nhiều năm một lớp. Nhắc lại chuyện lỡ rầy một nữ sinh lớp 6 lén soi gương trong giờ học, một giáo viên vẫn chưa nguôi day dứt: “Mình quên rằng các em đã lớn”. Cuộc gặp cuối giờ ở phòng giáo vụ, cô bé 17 tuổi khóc òa khi cô giáo mở lời xin lỗi. Cô cũng mủi lòng. Bươn chải mưu sinh buộc các em sớm khoác áo phong trần. Dưới mái trường này, bụi đường gột rửa. Mừng em tuổi ngọc quay về.

Thêm một niên học nữa sắp kết thúc. Sơ Kiều Oanh giới thiệu chương trình “Đồng hành” dành cho học sinh khối 9. Trường tổ chức những chuyên đề hướng nghiệp từ rất sớm, giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp. Quyết định học lên cấp III, rẽ qua trường nghề hoặc trung cấp nghề đều được khuyến khích. Cũng như bếp ăn, sáng kiến này xuất phát từ thực tiễn một số trường hợp bỏ dở con đường học vấn do không đủ khả năng chi trả, nhà trường nhiều năm qua tìm kiếm học bổng làm phần thưởng khích lệ học tập, đồng thời giới thiệu đến những mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ thêm. “Rời trường, nhiều em phải đi học xa hơn”, sơ Kiều Oanh nêu lý do nhà trường đang kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ xe đạp, làm phần thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học.

Giáo dục là con đường duy nhất để đám trẻ nghèo có cơ hội chủ động thay đổi vận mệnh. Thêm một đứa trẻ nên người, xã hội bớt một gánh nặng. Cả hiện tại và trong tương lai!

Bài và ảnh: Thượng Tùng

_____________________

(1) Trường do các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ quản lý.
(2) Vì lý do tế nhị, tên học sinh trong bài đã được thay đổi.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/duoi-mai-truong-cua-dam-tre-di-cu-43517.html