Dùng thương hiệu mở cánh cửa tiếp cận thị trường

Khách hàng cũng có thể thanh toán điện tử khi mua các sản phẩm của HTX. Ảnh: MINH DUYÊN

Cách đây 10 năm, toàn tỉnh có duy nhất 1 HTX xây dựng nhãn hiệu độc quyền. Từ năm 2020 đến nay, cả tỉnh có 11 HTX xây dựng thành công thương hiệu cho 21 sản phẩm. Chính những sản phẩm mang thương hiệu HTX đánh dấu sự tham gia của HTX vào kinh tế thị trường.

Hiểu giá trị thương hiệu

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) là đơn vị kinh tế tập thể (KTTT) đầu tiên của tỉnh đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm lúa giống Hòa Quang Nam. Thời điểm đó, HTX này là một trong những đơn vị có sản lượng tiêu thụ lúa giống đứng top đầu bởi có nhãn hiệu, một sự bảo đảm về chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin cho các cá nhân, đơn vị tìm tới hợp tác. Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này, HTX không chuyên về lúa giống nên không còn duy trì hiệu lực nhãn hiệu được cấp nhưng sản phẩm lúa giống của HTX vẫn được bà con đón nhận nhờ tiếng vang từ đó. Thay vào đó, HTX đang xây dựng nhãn hiệu gạo sạch Hòa Quang Nam theo hướng OCOP. Sản phẩm phải có thương hiệu mới có cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ.

Xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) là vùng trồng cây ăn trái truyền thống, nổi tiếng với các loại trái cây như mít, mãng cầu… Nơi đây có 2 đơn vị KTTT khai thác, quản lý sản xuất là Tổ hợp tác Sơn Ngọc và HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài. Trong đó tổ hợp tác (THT) quản lý khoảng 50ha, còn HTX khoảng 30ha. Tuy HTX ra đời sau nhưng lại xây dựng thương hiệu trước nên những sản phẩm của HTX có nhiều ưu thế như dễ vào siêu thị, được các trang thương mại điện tử hỗ trợ quảng bá… Ngược lại sản phẩm của THT chỉ có thể bán ở thị trường tự do. Ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài, cho biết: Năm 2022, mít thái và mãng cầu của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đây thương hiệu cây ăn trái của HTX được nhiều người biết tới và đặc biệt là được khách hàng tin dùng. Ngày trước, HTX chủ yếu tiêu thụ trong huyện, nếu có khách hàng ở địa phương khác thì cũng chủ yếu là mối quen đã dùng sản phẩm của HTX một thời gian. Nay, khách vãng lai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng hỏi mua. Rõ ràng là có thương hiệu thì phạm vi tiêu thụ được mở rộng hơn bởi khách hàng có niềm tin. Điều này cũng dễ hiểu bởi quá trình đăng ký thương hiệu buộc HTX phải chỉn chu về mẫu mã, bao bì cũng như đảm bảo về quy trình chăm sóc, chế biến, bảo quản.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), một vài năm trước khi nói tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, các HTX thường e ngại bởi lo thủ tục phức tạp, chi phí cao và những ràng buộc trong đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Từ khi có chủ trương khuyến khích xây dựng mỗi xã một sản phẩm gắn với chuỗi giá trị nông sản trong sản xuất, các HTX mới mạnh dạn tham gia. Năm 2020, 2021 mỗi năm cả tỉnh có 3 HTX đạt chứng nhận, đến năm 2022 con số này tăng lên 6 HTX. Hơn hết, thời gian đầu mỗi HTX chỉ đăng ký 1 sản phẩm nhưng sau đó HTX tham gia nhiều sản phẩm hơn, có HTX đã tham gia 9 sản phẩm.

Bảo đảm chất lượng

Tại hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP ở TP Tuy Hòa, HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) mang tới sản phẩm gạo chất lượng cao và gạo lứt. Nếu gạo chất lượng cao đã có mặt trên thị trường và được khách hàng đón nhận thì gạo lứt lần đầu được giới thiệu. Cứ tưởng lần đầu chào hàng không có người mua nhưng chỉ một ngày, sản phẩm gạo lứt của HTX tiêu thụ hết 20kg và ngày hôm sau mới nửa ngày cũng đã bán hết 20kg. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, cho biết: Khách du lịch mua nhiều. Họ nói rằng họ đã tin dùng thương hiệu gạo thơm Hoa Vàng của HTX nên chỉ cần là sản phẩm gạo do HTX sản xuất là họ mua. “Chính vì hiểu rõ giá trị của thương hiệu nên HTX luôn lấy chất lượng sản phẩm làm tiêu chí quan trọng nhất để giữ chân khách hàng. Với sản phẩm gạo lứt, để khách hàng cảm nhận ngay chất lượng, HTX đã đầu tư máy xay xát hiện đại trong đó chỉ bóc tách vỏ còn giữ lại nguyên cám. Với sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng, HTX đã có sẵn dây chuyền sấy khô, xay xát, đóng gói hoàn chỉnh nên để đảm bảo chất lượng, HTX quan tâm tới nguồn giống và kỹ thuật sản xuất”, ông Khoa nhấn mạnh.

Còn theo ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa), với tiêu chí chất lượng đi kèm thương hiệu nên khi sản phẩm gạo chất lượng cao Hòa Thành có mặt trên thị trường, đồng nghĩa với việc đã gần như hoàn chỉnh các điều kiện về mẫu mã, quy trình sản xuất cũng như chế biến… Nhiều HTX khác khi sản phẩm có mặt trên thị trường một thời gian dài họ mới xây dựng thương hiệu. HTX lại hoàn thiện cùng lúc bởi gạo là sản phẩm truyền thống ở Phú Yên và gạo Hòa Thành ra đời sau các sản phẩm gạo đã có thương hiệu khác, nên để tiếp cận thị trường sớm chỉ có cách xây dựng thương hiệu theo tiêu chuẩn OCOP.

Các HTX có hoạt động kinh doanh từ rất lâu nhưng chủ yếu bán lẻ ở phạm vi thôn, xã thông qua các mối quan hệ làng xóm, vì vậy khả năng cạnh tranh yếu, nợ đọng nhiều. Không có sản phẩm của chính mình nên một thời gian dài trên thị trường, HTX gần như không có tiếng nói. 3 năm trở lại đây, nhiều HTX đã thay đổi tư duy, hiểu được giá trị của thương hiệu nên đã bắt tay vào hoàn thiện quy trình sản xuất, đầu tư chế biến theo tiêu chuẩn và xây dựng nhãn hiệu độc quyền…

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298591/dung-thuong-hieu-mo-canh-cua-tiep-can-thi-truong.html