Đừng sợ thuế carbon!

Xuất phát từ bản chất của thuế carbon là nhằm bù đắp những phí tổn xã hội do việc phát thải CO2 gây ra, tiền thuế carbon được sử dụng để khắc phục sự cố môi trường, giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, thúc đẩy bảo tồn năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng 'xanh'.

Thuế carbon là một công cụ đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. (Nguồn: vneconomy)

Thuế carbon là loại thuế môi trường đánh vào lượng carbon của nhiên liệu, khuyến khích doanh nghiệp và người dân giảm lượng khí thải nhà kính. Đối tượng chịu thuế là hàm lượng carbon phát thải trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

“Sân chơi” bình đẳng

Thuế carbon là một công cụ đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phần Lan là quốc gia đầu tiên thực hiện thuế carbon (1990); tiếp theo là Thụy Điển và Na Uy (1991); các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Đan Mạch, Pháp, Ireland, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ, Anh lần lượt đánh thuế carbon cho tất cả các nhiên liệu sử dụng trong các ngành kinh tế, ngoại trừ một số ngành đặc biệt như hàng không quốc tế, vận tải biển và các ngành thuộc danh mục Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU ETS).

Ở châu Á, thuế carbon được Nhật Bản áp dụng cho tất cả các nhiên liệu, trừ các ngành nông - lâm nghiệp, vận tải hàng không, đường sắt và hàng hải, với thuế suất chỉ 3 USD/tấn CO2 tương đương và khoản thuế này được chính phủ Nhật Bản sử dụng để đầu tư phát triển công nghệ carbon thấp. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đang cân nhắc áp dụng thuế carbon. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển thị trường carbon thông qua các công cụ hỗ trợ giảm phát thải do Ngân hàng Trung ương (PBOC) thiết lập, bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp ở ba lĩnh vực là năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và công nghệ giảm phát thải.

Hiện không chỉ đánh thuế carbon với các mặt hàng sản xuất trong nước, ngày 13/12/2021, EU là nơi đầu tiên thông báo thực hiện Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời khuyến khích các nền kinh tế ngoài EU áp dụng các chính sách khí hậu chặt chẽ hơn. Theo đó, EU đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu.

EU ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu vượt quá tiêu chuẩn của EU, sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện tại của EU. Nguồn thuế từ carbon thường được các chính phủ phân bổ nhằm nâng cao bảo hiểm xã hội cho người dân hoặc các chương trình phát triển hiệu quả năng lượng.

Chính phủ Anh tham vấn về CBAM cuối tháng 3/2023 và dự kiến chính thức áp dụng đánh thuế này từ năm 2026, trùng với mốc của EU, nhằm tránh viễn cảnh các sản phẩm nhiều hàm lượng carbon sẽ chuyển hướng xuất khẩu từ EU vào Anh.

Mỹ đã và đang cân nhắc việc đánh thuế carbon hàng nhập khẩu trong suốt một thập kỷ qua, vấn đề càng “nóng hơn” trước quyết định từ EU.

Nhật Bản có kế hoạch áp dụng thuế carbon với các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch như các công ty năng lượng, lọc dầu, sản xuất thép, bắt đầu từ năm tài khóa 2028-2029.

Cần cơ chế phù hợp

Trong Báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á (AEIR) 2024 công bố mới đây, tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, CBAM chỉ có khả năng giảm lượng phát thải carbon toàn cầu ít hơn 0,2% so với một cơ chế mua bán khí thải với giá carbon là 100 EUR (108 USD)/tấn và không có thuế carbon.

Trong khi đó, các khoản phí này có thể làm giảm khoảng 0,4% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu tới EU và khoảng 1,1% xuất khẩu của châu Á sang EU, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng của một số nhà sản xuất trong EU.

Báo cáo của ADB gây bất ngờ khi đưa ra kết luận, việc EU áp thuế đối với hàng nhập khẩu có hàm lượng carbon cao có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á, song không có hiệu quả đáng kể trong hỗ trợ giảm lượng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CBAM, các nhà xuất khẩu sang EU, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á chắc chắn sẽ vấp phải không ít thách thức.

Báo cáo tại Hội thảo tham vấn Đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động của CBAM của EU đối với Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện đang xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai hệ thống giao dịch phát thải, cũng như nghiên cứu về tiềm năng của các công cụ định giá carbon khác, không chỉ nhằm đạt được các cam kết khí hậu của quốc gia, mà còn để chuẩn bị ứng phó với các chính sách khí hậu của các quốc gia khác như CBAM của EU.

Giải thích cho kết luận này, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Albert Park, cho biết: “Sự phân tán của những sáng kiến định giá carbon theo các lĩnh vực và vùng miền, bao gồm cả CBAM, chỉ có thể hạn chế một phần rò rỉ carbon. Để giảm đáng kể lượng khí thải carbon trên toàn cầu, đồng thời bảo đảm những nỗ lực về khí hậu có hiệu quả và bền vững hơn, các sáng kiến định giá carbon cần được mở rộng sang các khu vực khác ngoài EU, đặc biệt là châu Á”.

Nhà kinh tế Neil Foster-McGregor từ ADB phân tích, CBAM là một chính sách tương đối hạn chế vào thời điểm hiện tại, do chỉ có hiệu lực đối với hàng nhập khẩu vào EU trong sáu lĩnh vực thí điểm. Trong khi đó, quy mô sản xuất ngày càng tăng, bất chấp việc định giá carbon trên toàn cầu khiến lượng khí thải tăng, nên cần có các cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy áp dụng rộng rãi hơn quy định bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, lượng khí thải carbon từ thương mại quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu đang tăng nhanh hơn so với các nguồn khác và châu Á cũng là khu vực tăng nhanh hơn so với các khu vực còn lại, trong khi các nỗ lực bảo vệ môi trường đơn lẻ dường như ngày càng khó đạt mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh đó, việc phổ biến thuế carbon thông qua hợp tác toàn cầu được đánh giá là công cụ hữu hiệu, tự nó có thể thúc đẩy giảm phát thải ở khắp các nền kinh tế để đáp ứng các yêu cầu cao về môi trường, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực toàn cầu khác như khuyến khích mua bán các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với khí hậu; hỗ trợ các quy định và tiêu chuẩn môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ xanh; hỗ trợ các chính phủ và tổ chức quốc tế thúc đẩy đầu tư và cơ sở hạ tầng xanh…

Từ ngày 1/10/2023, 27 quốc gia thành viên EU bắt đầu thực hiện thí điểm đánh thuế carbon với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này theo CBAM.

Được thiết kế nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải trả mức phí phát thải carbon tương tự như các nhà cung cấp trong nước, theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM mà chưa phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh.

Sau giai đoạn thí điểm, CBAM được vận hành toàn bộ vào năm 2034, các doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo lượng khí thải carbon và nộp thuế.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dung-so-thue-carbon-265801.html